Vướng mắc mặt bằng, nhiều dự án “dậm chân tại chỗ”
Đà Nẵng: Một số hướng dẫn đối với thí sinh thi vào lớp 10 / Giảm mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH từ 0,65% xuống 0,54%
Làm tốt công tác quy hoạch, công tácgiải phóng mặt bằng, vận động nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngânđầu tư công- đây là yêu cầu của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Thủ tướng cũng đã cho thành lập 5 Tổ công tác cấp trung ương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu năm nay sẽ là năm hoàn thành kế hoạch giải ngân, nhằm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tính đến hết quý I, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 17.000 tỷ đồng, tương đương với 18% kế hoạch vốn đầu tư công năm nay, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được đánh giá là một nỗ lực của ngành giao thông khi khối lượng thực hiện công việc lớn, giá cả vật liệu nhiều biến động. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện vẫn dậm chân tại chỗ do khâu giải phóng mặt bằng chậm tiến độ.
Sau 7 tháng khởi công, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, 63 km thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai trên tổng số gần 200km của dự án vẫn chưa có khối lượng thi công. Máy móc, phương tiện đã được các nhà thầu tập kết, nay vẫn tiếp tục nằm bất động.
Ông Trần Văn Thúy - Chỉ huy công trường, Công ty CP Tập đoàn 168 Việt Nam cho biết: "Hiện tại có hơn 20 đầu máy để chuẩn bị thi công nhưng đến nay chưa nhận được mặt bằng".
"Rất nhiều người đang không có việc để làm, chúng tôi mong muốn làm sao để sớm có mặt bằng để triển khai dự án", ông Lee Chang Kyu - Tư vấn giám sát, Liên danh Tư vấn Samboo - Soosung – KCI nói.
Hiện nhiều dự án giao thông vẫn "dậm chân tại chỗ" do khâu giải phóng mặt bằng chậm tiến độ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải, vướng nhất vẫn là việc chuyển đổi đất rừng. Bởi với chiều dài 200km, theo tính toán, diện tích rừng cần phải chuyển đổi lến đến hơn 100 ha. Hiện 3 địa phương nằm trong dự án gồm Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đã hoàn thiện các thủ tục gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét.
"Dự án này đất rừng rất nhiều nên chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản trình Thủ tường phê duyệt trong tháng 4 để chủ đầu tư có cơ sở bàn giao mặt bằng cho nhà thầu", ông Vũ Tuấn Khanh - Phó Giám đốc dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đoạn Lào Cai cho biết.
Trong khi đó, đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA của ngân hàng phát triển Châu Á có thời hạn vay đến hết năm 2024. Như vậy, nếu không giải ngân kịp trước thời hạn, nguy cơ bị cắt vốn, kéo dài thời gian thi công, lãng phí đầu tư là điều khó tránh khỏi
Nhiều dự án tăng tốc tiến độ
Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, tính đến hết quý I vẫn còn 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%. Đặc biệt đến thời điểm này vẫn còn 30 Bộ, cơ quan trung ương chưa tiến hành giải ngân. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, việc chậm trễ này vẫn chủ yếu do yếu tố chủ quan.
Yếu tố chủ quan ở đây là vai trò của người đứng đầu. Bởi nếu địa phương, đơn vị có sự chuẩn bị tốt về nguồn vốn, mặt bằng thì chắc chắn hiện tượng kéo dài thời gian thi công sẽ được loại bỏ và nhiều dự án sẽ tăng tốc tiến độ. Nếu vậy, mục tiêu giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch sẽ là không quá khó với nhiều bộ, ngành và địa phương.
Theo kế hoạch, dự án trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai sẽ hoàn thành sau 20 tháng thi công. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong tỉnh, dự án nhanh chóng được bố trí mặt bằng sạch, các đơn vị đã cam kết rút ngắn thời gian hoàn thành để sớm đón hơn 500 học sinh trong năm học mới.
Khởi công tháng 9/2022, đến thời điểm này dự án cầu Phú Thịnh đã đạt được hơn 20% sản lượng. Đặc biệt đã hoàn thành tất cả các hạng lục dưới nước trước khi mùa lũ về. Đây cũng là điều kiện để công trình chủ động về mặt tiến độ.
Dự án trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai.
Kết thúc quý I, tỉnh Lào Cai đã giải ngân được hơn 13% trong tổng số hơn 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tỉnh cũng đã thành lập các Tổ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài việc tháo gỡ khó khăn, tổ còn xem xét điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao.
"Tổ hỗ trợ này thường xuyên họp hàng tuần giao ban để nắm bắt được tiến độ, giải quyết những khó khăn cho dự án", ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết.
Hiện tỉnh Lào Cai có tới 4 tổ công tác đặc biệt được thành lập, nhằm giải quyết linh hoạt những vấn đề liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp. Đại diện tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh sẽ phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023 theo kế hoạch được giao.
Kết thúc quý I năm nay, cả nước giải ngân được hơn 73.000 tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch. Tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính theo khối lượng vốn vào công trình dự án lại cao hơn, bởi tổng vốn đầu tư công năm nay tăng 25%. Mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm nay là giải ngân vốn đầu tư công cao hơn năm trước nhằm tạo những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo