Áp dụng tiến bộ công nghệ trong khắc phục hậu quả bom mìn
DNVN - Mở rộng quy mô hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn thông qua tăng cường hợp tác, chia sẻ dữ liệu mới và áp dụng những tiến bộ trong công nghệ được coi là giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phuc hậu quả bom mìn.
Đà Nẵng dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về mức tăng GRDP quý 1/2023 / Quán quân Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 sẽ được thưởng 10.000 USD
Bom mìn và các loại vật nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn là mối đe dọa đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững ở Đông Nam Á. Một nửa số quốc gia thành viên ASEAN hiện vẫn còn bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, làm cản trở tiến độ xóa đói giảm nghèo và nỗ lực giảm thiểu bất bình đẳng.
Nửa thế kỷ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hàng triệu người dân Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào vẫn phải đương đầu với rủi ro. Từ năm 1964 đến 1973, 7,5 triệu tấn bom đạn ném xuống ba quốc gia. Gần 1/5 diện tích Việt Nam, tức là 5,6 triệu ha, có khả năng bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Khoảng 600.000 đến 800.000 tấn bom mìn chưa nổ có thể vẫn đang tồn tại dưới lòng đất.
Ngày 29/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức hội thảo “Khắc phục hậu quả bom mìn vì hòa bình và phát triển bền vững: Trao đổi kinh nghiệm khu vực và tiến bộ công nghệ toàn cầu trong khắc phục hậu quả bom mìn”.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho rằng, khắc phục hậu quả bom mìn không nên được coi là giải pháp nhân đạo ngắn hạn, tạm thời mà cần được nhìn nhận là tiến trình tổng thể, toàn diện để hướng tới phục hồi, tái thiết hậu xung đột và xây dựng hòa bình, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo đúng tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho biết,khắc phục hậu quả bom mìn cần được nhìn nhận là tiến trình tổng thể, toàn diện.
Thời gian qua, KOICA và UNDP đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Trong ba năm, dự án đã khảo sát 17.000 ha đất, tương đương 20.000 sân bóng đá, và 10.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn đã được rà phá. Cũng trong thời gian đó, 450.000 người dân địa phương được tham gia các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh, hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn có thể cứu sống và thay đổi cuộc sống của người dân.
"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là rà phá bom mìn mà còn đảm bảo đất đai sau khi đã được rà phá làm sạch được đưa vào kế hoạch phát triển nông thôn và góp phần xây dựng cộng đồng hòa bình và bền vững”, bà Ramla Khalidi nói.
Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn có thể thay đổi cuộc sống của người dân.
Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam Cho Han-Deog cho biết: “Chúng tôi đang khởi động giai đoạn hai của dự án khắc phục hậu quả bom mìn, dự án Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc (KVPVP) ở Việt Nam với quy mô lớn hơn và bổ sung hợp phần hỗ trợ sinh kế. Dự án KVPVP sẽ kế thừa những kết quả tích cực của dự án giai đoạn một và mang lại sự phát triển bao trùm, an toàn và bền vững cho địa phương thông qua giảm thiểu tác động của bom mìn, vật nổ”.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi các cách thức khác nhau để tăng cường hợp tác khu vực và đưa các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trong khu vực phù hợp với các quá trình phát triển và chính sách toàn cầu.
Theo các chuyên gia, mở rộng quy mô hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn thông qua tăng cường hợp tác, chia sẻ dữ liệu mới, và áp dụng những tiến bộ trong công nghệ là giải pháp quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Công nghệ mới về khắc phục hậu quả bom mìn ở Đông Nam Á có thể góp phần tạo ra những thay đổi bền vững cho các địa phương.
Ở Campuchia, Chính phủ đang sử dụng thiết bị bay không người lái để dò bom mìn, qua đó giảm chi phí, thời gian, và tăng tính an toàn trong công tác khảo sát . Tại Việt Nam, một hệ thống đăng ký và quản lý thông tin trực tuyến dành cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được xây dựng để tiến hành đánh giá tại hai tỉnh bị ô nhiễm nặng nhất trong cả nước là Quảng Bình và Bình Định.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo