Xã hội

Hà Nội sẽ nghiên cứu quy định mới về giấy đi đường

DNVN - UBND thành phố Hà Nội vừa giao Công an TP tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, nghiên cứu và tham mưu thành phố quy định rõ đối với từng loại hình được cấp, sử dụng giấy đi đường.

Đà Nẵng: Áp dụng mẫu Giấy đi đường mới từ 12h ngày 6/8 / Đà Nẵng: Trực đến 2h sáng để kịp cấp Giấy đi đường cho các doanh nghiệp

Ngày 29/8, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2801 về việc triển khai các nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố (TP) giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn giãn cách xã hội và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ siết chặt kiểm soát tại 23 chốt ra vào TP, kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe “luồng xanh”, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào thành phố không đúng quy định.

UBND TP Hà Nội giao Công an TP nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định rõ đối với từng loại hình được cấp, sử dụng giấy đi đường.

UBND TP Hà Nội giao Công an TP nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định rõ đối với từng loại hình được cấp, sử dụng giấy đi đường.

UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng Giấy đi đường. Trong đó nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố quy định rõ đối với từng loại hình trên nguyên tắc thực hiện theo đúng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND thành phố giao Công an thành phố có các quy định, phương án cụ thể và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm giãn cách xã hội của tổ chức, cá nhân; kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tham gia lưu thông...

Qua đó, thường xuyên đánh giá, phân tích, tổng hợp, báo cáo và đề xuất các giải pháp xử lý đối với các trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng; các đơn vị, tổ chức cấp giấy phép đi đường không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, siết chặt công tác quản lý và cấp phép cho các phương tiện giao thông được phép lưu thông (kể cả xe chuyên dụng) để phục vụ phòng, chống dịch.

Trước đó, trong Công điện số 19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của thành phố; chịu trách nhiệm trước chính quyền thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, việc cấp giấy đi đường tràn lan, không kiểm soát hết được đang là một trong những bất cập trên địa bàn TP. Mặc dù vẫn trong thời gian giãn cách nhưng lượng người dân ra đường vẫn khá đông, lượng phương tiện lưu thông nhiều, và hầu hết đều có giấy đi đường của doanh nghiệp, cơ quan. Từ đó dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng là rất lớn và khó có thể kiểm soát được dịch bệnh một cách triệt để trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.991 ca dương tính, trong đó có 1.532 ca ngoài cộng đồng.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm