PAPI 2020: 4 vấn đề người dân quan ngại nhất
DNVN - Theo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh năm 2020 (PAPI 2020) được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam công bố sáng 14/4, bốn vấn đề người dân quan ngại nhất cần Nhà nước giải quyết là đói nghèo, y tế/Bảo hiểm y tế, tăng trưởng kinh tế/GDP và việc làm.
Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ghép tế bào gốc chữa u nguyên bào võng mạc / Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: Phải quan tâm đời sống người dân từ lúc di dời cho đến khi có nơi ở mới
Một trong những kết quả khảo sát đáng chú ý của PAPI 2020 là các vấn đề đáng quan ngại nhất của người dân năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Để nắm bắt được những vấn đề đáng quan ngại nhất trong một năm, khảo sát nêu một câu hỏi mở để người dân tự nêu từ một đến ba vấn đề họ cần Nhà nước tập trung giải quyết. Câu hỏi này được đưa vào khảo sát PAPI từ năm 2015, và điều đáng chú ý là số người trả lời cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất trong khảo sát 2020.
Biểu đồ trên cho thấy, gần 18% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất. Mặc dù tỉ lệ này là cao nhất, song kết quả so sánh qua các năm cho thấy tỉ lệ này có xu hướng giảm dần qua hai năm 2019 và 2020. Tỉ lệ người trả lời quan ngại về môi trường cũng giảm xuống trong năm 2020 sau một số năm gia tăng. Chuyển biến nổi bật nhất năm 2020 là mối quan tâm tới điều kiện kinh tế và sức khỏe. Mối quan ngại về sức khỏe có thể liên quan đến đại dịch COVID-19, và kết quả phân tích dưới đây cho thấy COVID-19 có thể làm gia tăng quan ngại về điều kiện kinh tế.
Như đã đề cập ở trên, trong khi tỉ lệ người dân quan ngại về đói nghèo giảm trong năm 2020 sau khi luôn ở mức cao từ 2016 đến 2019, tỉ lệ quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước lại gia tăng. Biểu đồ trên cho thấy tăng trưởng kinh tế và việc làm là hai trong số bốn vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020.
Phân tích phân tổ theo giới cho thấy, có sự khác biệt trong quan điểm giữa người nam và người nữ về vấn đề hệ trọng nhất. Phụ nữ quan ngại về vấn đề đói nghèo, y tế và giáo dục hơn so với nam giới. Ngược lại, nam giới có xu hướng cho rằng tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc gia, tranh chấp Biển đông và tham nhũng là những vấn đề chính Nhà nước cần tập trung giải quyết.
Mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế năm 2020 phản ánh những lo lắng trong dân cư về điều kiện kinh tế hộ gia đình và mối lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung. Biểu đồ dưới đây biểu thị tỉ lệ người trả lời đánh giá về điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ.
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2019, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình là kém nhìn chung giảm dần và tỉ lệ người dân cho rằng tình hình kinh tế hộ gia đình của họ là tốt tăng lên. Tuy nhiên, kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy xu hướng đảo chiều ở cả hai vế đánh giá. Số người trả lời cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ là kém hoặc rất kém tăng lên, trong khi số người cho rằng tình hình kinh tế gia đình của họ tốt hoặc rất tốt giảm đi.
Có lẽ kết quả đáng chú ý hơn là tỉ lệ người trả lời cho biết điều kiện kinh tế hộ gia đình so với ba năm trước và cảm nhận về nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tỉ lệ người trả lời cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn so với ba năm trước tăng từ 14% năm 2019 lên 18% năm 2020. Tương tự, tỉ lệ người trả lời cho biết điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ khá hơn ba năm trước giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam nói chung cũng có xu hướng bi quan hơn. Biểu đồ dưới đây cho thấy, tỉ lệ người trả lời cho rằng tình hình kinh tế của đất nước kém tăng lên, và tỉ lệ cho rằng nền kinh tế ở mức khá thấp nhất trong ba năm. Kết quả khảo sát này phần nào phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thực tế năm 2020 đạt 2,91%--mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Hiện trạng mất việc rộng khắp trong năm 2020 là một lý do khiến nhiều người bi quan hơn với tình hình kinh tế. Có tới 25,34% số người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cho rằng họ hoặc người thân trong gia đình bị mất việc do tác động của đại dịch COVID-19. Xác suất những người bị mất việc hoặc thu nhập do COVID-19 có quan điểm tiêu cực cao hơn 6% điểm so với những người không bị mất việc. Tỉ lệ người có đánh giá tích cực về nền kinh tế nói chung thấp hơn khoảng 10% điểm so với năm 2019.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo