Tin tức - Sự kiện

Hà Nội lên kế hoạch rà soát và bảo tồn hơn 1.200 biệt thự cổ

DNVN - TP. Hà Nội đã có chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, TP.Hà Nội đã xác định danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để có hướng quản lý.

Lễ hội kích cầu du lịch, quảng bá ẩm thực tại Hà Nội có những gì? / Hà Nội di dời 215.000 người tại 4 quận nội đô như thế nào?

Theo đó, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn;

Trong đó, nêu rõ số lượng, địa chỉ cụ thể, hiện trạng, phân loại và xếp theo từng nhóm, hình thức sở hữu, đề xuất giải pháp quản lý trong thời gian tới...; đề xuất danh mục biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 cần bảo trì, cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn giai đoạn 2021-2025.

Từ cuối năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành danh mục 1.253 nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội".

Trong danh sách này có 352 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 100 biệt thự thuộc sở hữu của các tổ chức, 301 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và 500 biệt thự đan xen sở hữu.

Hà Nội lên kế hoạch rà soát và bảo tồn hơn 1.200 biệt thự cổ.

Hà Nội lên kế hoạch rà soát và bảo tồn hơn 1.200 biệt thự cổ.

Các biệt thự cũ tập trung chủ yếu tại 5 quận gồm: Ba Đình (428 biệt thự), Hoàn Kiếm (527 biệt thự), Hai Bà Trưng (270 biệt thự), Tây Hồ (14 biệt thự), Đống Đa (14 biệt thự).

Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả và đáp ứng thực hiện, Hà Nội cần ban hành lại danh mục nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.

Theo quy chế mới ban hành, nhà biệt thự thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; nhà biệt thự có giá trị về lịch sử văn hóa, cách mạng-kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thuộc nhóm 1 và nhóm 2 được cấp Giấy chứng nhận “Nhà biệt thự có giá trị lịch sử văn hóa, cách mạng-kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.”

Thành phố không cho phép đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp như chia tách thành nhiều thửa đất đối với khuôn viên đất của nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; chặt hạ cây xanh cổ thụ, xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất trống của nhà biệt thự; chia tách hợp đồng thuê nhà đối với nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước.

Việc cải tạo nhà biệt thự thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng chỉ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Tuy nhiên, thành phố quy định rõ khi cải tạo nhà biệt thự nhóm 1-2, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao).

Trường hợp nhà ở riêng lẻ là nhà phụ của nhà biệt thự thuộc nhóm 2 và nằm trong khuôn viên đất ở phía sau của nhà biệt thự, có thể được xem xét, cấp phép xây dựng, cải tạo phù hợp với quy hoạch, hình dáng kiến trúc, cảnh quan với ngôi biệt thự chính nhưng phải đảm bảo khoảng cách với nhà biệt thự chính theo quy định.

Thành phố không xem xét, cấp giấy phép xây dựng trên phần diện tích đất trống ở phía sau của nhà biệt thự; không xem xét việc cấp giấy phép xây dựng nhà trên khuôn viên đất tại vị trí phía trước và hai bên nhà biệt thự nhóm 2.

Đối với biệt thự nhóm 3, việc cải tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Đại diện UBND TP.Hà Nội cho biết, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Bên cạnh việc rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng, thành phố cũng cần rà soát về thực trạng quản lý, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa trên địa bàn; các giải pháp về đầu tư, quản lý sau đầu tư trong thời gian tới.

Kế hoạch, danh mục công viên, vườn hoa cụ thể đề xuất đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2021-2025 cần nêu rõ số lượng đầu tư xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang, nguồn vốn đầu tư theo từng năm với địa điểm cần xác định cụ thể theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng đề nghị UBND TP. chỉ đạo ra soát, báo cáo về thực trạng trồng, chăm sóc, duy tu duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố; kế hoạch, đề xuất trồng mới, thay thế trên tuyến phố cũ và trồng mới trên các tuyến đường, phố mới mở giai đoạn 2021-2025...

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm