Tin tức - Sự kiện

Xuất khẩu qua đường biển, doanh nghiệp chịu chi phí tăng 2-3 lần

DNVN - Tại “Cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển”, chiều 12/1, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng: Nếu xuất khẩu đường biển, doanh nghiệp có thể chịu chi phí tăng thêm 2-3 lần.

Ưu tiên cấp C/O trong thời gian sớm nhất cho nông sản xuất khẩu / Chính phủ ban hành Nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững

Chi phí vận chuyển, logistics tăng cao đến mức phi lý

“Cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả tươi trong thời gian tới qua vận tải đường biển, giảm thiểu ách tắc cho xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tại Cuộc họp, đại diện cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T thừa nhận, chi phí vận chuyển, logistics tăng cao đến mức phi lý. Ông Tùng đặt nghi vấn, về việc các hãng tàu "bắt tay nhau" để cùng nâng mức giá này.
Nếu xuất khẩu đường biển, doanh nghiệp có thể chịu chi phí tăng thêm 2-3 lần.

Đánh giá về chi phí vận chuyển tăng quá cao này, ông Nguyễn Xuân Sang- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện có khoảng 30 công ty vận tải biển đang khai thác việc vận chuyển, lưu thông containter từ Việt Nam đến Trung Quốc như COSCO, SITC, Yangming...
Hầu hết những tuyến đường vận chuyển đều đi qua các cảng lớn tại Trung Quốc, ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Đại Liên, Thâm Quyến, Thiên Tân… Sau đó, các containter hàng sẽ di chuyển bằng đường bộ đến nơi tiêu thụ.
Theo lãnh đạo ngành GTVT, do đặc thù của containter lạnh, công suất chuyên chở trên mỗi tàu chỉ đạt khoảng 20% tổng số containter vận chuyển.
Tại Việt Nam, hai khu vực vận chuyển đường biển chủ yếu sang Trung Quốc nằm tại TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, containter lạnh đi từ Hải Phòng, tại các cảng Lạch Huyện, Đình Vũ; còn containter chở nông sản xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, hoặc làm thủ tục tại đây rồi vận chuyển ra cảng Cái Mép – Thị Vải.
Có một sự dịch chuyển về vận chuyển nông sản trong tháng 12/2021. Theo thống kê, số containter vận chuyển tháng này là 4 nghìn, gấp gần 3 lần so với tháng 11 (khoảng 1.400 containter).
Hai khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức vận chuyển từ đường bộ sang đường biển là: Doanh nghiệp phải xuất khẩu chính ngạch và chi phí vận chuyển tăng cao đến mức không kiểm soát, bởi doanh nghiệp phải chịu thêm phí từ một lần chở containter rỗng về Việt Nam.
“Tương tự như vận chuyển đường bộ, qua các cửa khẩu đường biển, Trung Quốc cũng duy trì chính sách “Zero COVID”. Tốc độ thông quan bằng đường biển chưa chắc nhanh hơn đường bộ. Một số bến bãi tập kết hàng hóa nông sản ở cảng biển Trung Quốc có dấu hiệu ùn tắc khoảng một tuần trở lại đây. Nếu xuất đường biển, doanh nghiệp trong nước có thể chịu thêm phí lưu bãi, và chịu nguy cơ tăng chi phí thêm 2-3 lần”, ông Sang nói.
Ông Sang cho biết thêm, phía Trung Quốc không những yêu cầu khắt khe mã số vùng trồng, mà còn đòi hỏi thủ tục, giấy tờ nghiêm ngặt, đặc biệt là khi xuất khẩu bằng đường biển. Chỉ cần một khâu không đạt, hàng hóa sẽ bị trả lại. Khi đó chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí.
Ngoài chi phí, khó khăn chính của doanh nghiệp xuất khẩu khi vận chuyển đường biển là thiếu containter rỗng. Lý giải cho việc này, bà Phạm Thị Thúy Vân- Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn dẫn nguyên nhân từ việc chênh chi phí containter rỗng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chi phí thuê containter rỗng tại Việt Nam thấp hơn. Do đó, có hiện tượng nhiều container rỗng bị xuất ngược sang nước bạn", bà Vân cho biết.
Lưu ý khâu bao bì và phương tiện vận chuyển
Đưa ra khuyến nghị tại Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bảo đảm an toàn, nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý cả ở khâu bao bì, phương tiện vận chuyển hàng hóa vì Trung Quốc rất kiên quyết với chiến lược “Zero COVID”.
Sau khi phía Trung Quốc làm xong các thủ tục về phòng chống COVID-19, phun khử khuẩn trong vòng 7 ngày. Sau đó, hàng hóa, nông sản của Việt Nam sẽ được thông quan bình thường.
Doanh nghiệp cần lưu ý cả khâu bao bì và phương tiện vận chuyển hàng hóa khi thông quan.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản - Nafiquad (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh thêm: Đến nay, Trung Quốc chỉ phát hiện virus SARS-CoV-2 tại bao bì ngoài của các lô hàng, chứ không phát hiện tại các bao bì bao gói sản phẩm xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề "Zero COVID" mà Trung Quốc đặt ra.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú ý tuân thủ tuyệt đối quy định 5K để bảo đảm an toàn, sạch khuẩn đối với các bao bì bao gói bên ngoài sản phẩm cũng như toàn bộ phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Trước đó, đại diện Chi cục Hải quan TP Móng Cái (Quảng Ninh) thông báo một xe container chở xoài thông quan qua lối cầu phao tạm Km3+4 thuộc cửa khẩu Móng Cái đã bị phía Trung Quốc phát hiện nghi nhiễm COVID-19 nên hàng hóa thông quan qua lối cầu phao tạm này bị dừng hoạt động từ chiều ngày 11/1.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ tạm dừng thông quan tại điểm cầu phao tạm Km3+4 chứ không phải toàn bộ cửa khẩu Móng Cái như một số thông tin trước đó. Hiện, các cửa khẩu khác vẫn đang hoạt động bình thường. Trung bình 5 đến 10 phút sẽ có một xe được thông quan.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm