Ngành NN&PTNT năm 2021: Đổi mới doanh nghiệp, nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
DNVN - Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2021, Bộ NNPTNT cho biết: Ngành nông nghiệp 2021 tiến hành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có thêm những “làn gió mới” trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp / Hai dự án nông nghiệp trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ
Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
Sáng 29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Hội nghị “Tổng kết ngành NN&PTNT năm 2021 - Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022", Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những thành tích mà ngành đã đạt được, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị “Tổng kết ngành NN&PTNT năm 2021 - Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022".
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, năm 2021, ngành nông nghiệp cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm NLTS có lợi thế và giá trị cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Về sản xuất lúa, sản lượng đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39,7 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 496 USD/tấn năm 2020 lên trên 503 USD/tấn năm 2021.
Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020. Trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng gần 1,1%.
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực lâm nghiệp. Công nghiệp chế biến NLTS phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để tích hợp đa giá trị và giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2021 có 6 dự án, cơ sở với tổng mức đầu tư trên trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.
Sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp
Cũng trong năm 2021, ngành đã triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thuộc Bộ; triển khai thực hiện Đề án thành lập 2 Công ty TNHH một thành viên (Công ty Khai thác thủy lợi Cửa Đạt; Công ty Khai thác thủy lợi Tả Trạch trên cơ sở sắp xếp lại 2 Ban quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 3 và 5) để thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý, khai thác 2 công trình quan trọng thủy lợi, liên quan đến an ninh quốc gia.
Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, đôn đốc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên cơ sở phương án được phê duyệt, đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới 166/256 công ty (đạt 64,8%); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.
Đồng thời, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025. Năm 2021, cả nước thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 19.100 HTX và có 78 liên hiệp HTX nông nghiệp. Trong đó, trên 65% xếp loại khá, tốt và có 1.980 HTX ứng dụng CNC, 4.180 HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hiện cả nước có 30.027 tổ hợp tác và 19.667 trang trại.
Về phát triển doanh nghiệp, năm 2021, có trên 1.640 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, nâng tổng số lên 14.400 doanh nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông.
Chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng nhìn thẳng vào những khó khăn, tồn tại. Đó là dịch bệnh COVID-19 tác động bất lợi trực tiếp đến các hoạt động kinh tế của người dân nông thôn, trong khi vốn ngân sách Trung ương năm 2021 giao muộn và huy động nguồn lực khó khăn, nhiều địa phương lúng túng trong cân đối nguồn lực thực hiện.
Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tiến độ hoàn thành và mức độ bền vững của một số tiêu chí nông thôn mới. Một số ít địa phương chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), chưa chú ý đến hiệu quả của Chương trình, nhất là khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn.
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của EC nhưng đến nay, ngành nông nghiệp vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản của Việt Nam.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, công tác bảo vệ rừng tại các địa phương bị ảnh hưởng, chậm tiến độ do nhiều địa phương trên cả nước thực việc hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
Phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng
Báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về nhiệm vụ và giải pháp của ngành nông nghiệp năm 2022, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.
Bộ NNPTNT đang chủ động, tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và các Ban, Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện Đề án báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, trong đó điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “Nông nghiệp toàn diện” trong bối cảnh, yêu cầu mới.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cột tin quảng cáo