Y tế

Bình Phước gặp khó về chế biến, bào chế dược liệu

DNVN - Trao đổi với đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu tới Bình Phước làm việc ngày 7/9, lãnh đạo tỉnh cho biết, khó khăn lớn của Bình Phước hiện nay là chưa có đơn vị nào thực hiện công tác chế biến, bào chế dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

TP Hồ Chí Minh: Triển khai thử nghiệm “cấp cứu trầm cảm” / 7 tháng có gần 11.000 người chết vì COVID-19, 45 ca sốt xuất huyết tử vong

Chưa có đơn vị chế biến, bào chế dược liệu
Theo lãnh đạo Bình Phước, là địa phương có diện tích rộng, đất đai và thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại dược liệu quý để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh nên địa phương đang từng bước đầu tư, trồng, bảo tồn.
11/11 Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố ở Bình Phước đều có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý, theo dõi y dược cổ truyền. Toàn tỉnh có 228 giường bệnh dành cho y dược cổ truyền. Bệnh viện y học cổ truyền Bình Phước còn có chức năng chỉ đạo tuyến cho các khoa y dược cổ truyền trong các bệnh viện, Trung tâm Y tế cấp huyện và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới… Bình Phước cũng có 68/80 Trạm Y tế có tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng y học cổ truyền.
Khó khăn lớn của Bình Phước là hiện chưa có đơn vị nào thực hiện công tác chế biến, bào chế dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. UBND Bình Phước đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan quy hoạch quỹ đất phát triển vùng trồng dược liệu phù hợp…
Tuy nhiên, đến nay hoạt động này chưa được triển khai do việc tham mưu của các sở, ngành chưa kịp thời. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác y dược cổ truyền chủ yếu là trang thiết bị thiết yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền và y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại của người dân.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế.
Giải pháp Bình Phước đưa ra là phát động rộng rãi phong trào trồng và sử dụng thuốc nam, thực hiện “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”. Nâng cao sức khỏe bằng y dược cổ truyền sử dụng thuốc nam tại cộng đồng. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô phù hợp…
Từ nắm bắt thực tế cũng như ý kiến của các chuyên gia, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế và tỉnh Bình Phước, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ tạo tất cả các trạm y tế thực hiện khám, tư vấn điều trị bằng y học cổ truyền cho bệnh nhân, người dân. Sở Y tế và Hội đông y kết hợp tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi để các lương y hiểu thêm về y học hiện đại, biết cách vận dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được nhuần nhuyễn. Địa phương cần rà soát lại đề án bảo tồn dược liệu để có những quy hoạch bài bản, khoa học.
Cùng với việc hình thành các vườn thuốc nam mẫu ngay từ các Trạm Y tế để giúp bà con hiểu thêm về các cây dược liệu quý thì Bình Phước cần đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh từ hạng III lên hạng II.
Tiêm phòng là "vũ khí" hữu hiệu nhất
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, nhiều khó khăn trong lĩnh vực y tế cũng được Bình Phước đưa ra. Cụ thể như một số người còn chủ quan trong việc tiêm vaccine COVID-19. Nhiều người tiếp nhận những thông tin không chính xác về tiêm chủng… nên không đồng ý tiêm chủng. Các địa phương chưa thường xuyên rà soát, thống kê cụ thể đối tượng đã tiêm, không đồng ý tiêm chủng.
Về tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ở Bình Phước, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/6/2022, tổng số nhân viên y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn Bình Phước là 175 người. Nhưng cũng trong thời gian này, Bình Phước đã tuyển mới vào khoảng 150 người.
Dù vậy, Bình Phước đề xuất với Bộ Y tế xem xét, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên công tác đối với nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập.
Chia sẻ khó khăn với khó khăn của tỉnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, tiêm vaccine phòng COVID-19 là “vũ khí” hữu hiệu nhất hiện nay. Địa phương cần khẩn trương hơn nữa trong việc tiêm chủng. Đối với chế độ cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế xây dựng. Trong đó, Bộ đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường.
Minh Thu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm