Y tế

Bộ Y tế cảnh báo 21 loại thuốc giả

DNVN - Sở y tế địa phương và y tế các ngành được yêu cầu khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng 21 loại thuốc giả.

Nhiều hy vọng cho bệnh nhân viêm gan vi rút / Vingroup đề xuất triển khai thí điểm hệ thống cấp cứu ngoại viện tại 4 tỉnh

Ngày 20/4, Bộ Y tế gửi cảnh báo 21 loại thuốc giả đến sở y tế các địa phương trong bối cảnh công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người.

Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.

Cụ thể, 4 loại thuốc giả trên nhãn ghi thông tin sau:

Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16; nhà sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17; nhà sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị thu giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hoá)

Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), SĐK: VD-14429-11; nhà sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm TW1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion. Riêng thuốc này chưa có thông tin trên nhãn. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược cho biết, với thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có các thông tin chính thức như sau: số giấy phép lưu hành 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); hoạt chất Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; cao mềm Grindelia 20mg; dạng bào chế là viên nén bao đường; đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên. Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500.

"Sở y tế địa phương và y tế các ngành khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm giả này", Cục Quản lý Dược cho biết.

Trước đó, sau khi nhận thông tin Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các thuốc do đối tượng làm giả đã đưa ra thị trường.

TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, trong năm 2023-2024 một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả. Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo các Sở Y tế chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389, Công an, Quản lý thị trường… tập trung đấu tranh phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật.


Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm