Y tế

Bộ Y tế: Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào thừa i-ốt

DNVN - Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt và Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào thừa i-ốt.

Giả mạo quyết định của Sở Y tế tỉnh Long An, Bến Tre để lừa đảo / Khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt i-ốt nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong 6 vùng sinh thái, bao gồm cả các tỉnh ven biển Duyên hải miền Trung. Thiếu i-ốt dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bệnh bướu cổ và các vấn đề về tuyến giáp.

Năm 1994, kết quả điều tra cho thấy 94% dân số Việt Nam sống trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ trẻ em 8-12 tuổi mắc bướu cổ lên đến 22,4% (trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là dưới 5%). Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 481/TTg vào năm 1994, yêu cầu toàn dân sử dụng muối i-ốt, tiếp đó là Nghị định số 19/1999/NĐ-CP năm 1999, bắt buộc muối dùng trong thực phẩm phải là muối i-ốt.

Nhờ vào chính sách này, đến năm 2005, Việt Nam đã thành công trong việc thanh toán tình trạng thiếu i-ốt, với mức bao phủ muối i-ốt đạt trên 90% và tỷ lệ trẻ em mắc bướu cổ giảm xuống dưới 5%. Tuy nhiên, vào năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định 19, chuyển việc sử dụng muối i-ốt từ bắt buộc sang tự nguyện. Điều này dẫn đến giảm tỷ lệ sử dụng muối i-ốt, khiến tình trạng thiếu i-ốt quay trở lại và lan rộng.


Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt i-ốt nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc.

Sự lỏng lẻo của các quy định đã dẫn đến giảm mức trung vị i-ốt niệu trong cộng đồng xuống còn 84 mcg/l vào năm 2014, thấp hơn mức khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l). Tỷ lệ trẻ em mắc bướu cổ tăng lên 8,3% vào năm 2014, cao gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Các khu vực có tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng bao gồm cả miền núi, đồng bằng và đặc biệt là vùng ven biển Duyên hải miền Trung.

Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, yêu cầu muối dùng cho ăn trực tiếp và chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt. Nhờ chính sách này, năm 2018, mức trung vị i-ốt niệu trên toàn quốc đã tăng lên 97 mcg/l, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức an toàn theo khuyến cáo của WHO.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương và Viện Dinh dưỡng, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Cho đến nay, chưa có một y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối i-ốt toàn dân (từ năm 1994 - đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp.

Theo Luật An toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có trách nhiệm tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nghị định số 09/2016/NĐ-CP đã tái khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường i-ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm.

Các chuyên gia từ WHO và Mạng lưới Toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt đã nhấn mạnh, bổ sung i-ốt vào thực phẩm là một biện pháp y tế công cộng hiệu quả, không chỉ giúp phòng ngừa thiếu i-ốt mà còn không gây ra nguy cơ về độc tính hay bổ sung quá mức. Tại ASEAN, hầu hết các quốc gia đã áp dụng chính sách bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối ăn, mang lại hiệu quả đáng kể.

Bộ Y tế khẳng định chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc sử dụng muối i-ốt gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe người tiêu dùng. Những lo ngại từ doanh nghiệp về màu sắc và mùi vị của muối i-ốt đã được Bộ Y tế tiếp nhận, tuy nhiên chưa có bằng chứng xác thực nào từ phía các doanh nghiệp để chứng minh tác động xấu của muối i-ốt đối với sức khỏe người dùng.

Tại buổi làm việc với doanh nghiệp vào ngày 30/10 vừa qua, Lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu thực tế tại cơ sở sản xuất có sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm để làm rõ về ảnh hưởng của muối i ốt đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i-ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong Nghị định 09.

Để cải thiện tình trạng thiếu hụt i-ốt, Bộ Y tế đề xuất quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, đồng thời tăng cường công tác truyền thông về tầm quan trọng của i-ốt đối với sức khỏe. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bổ sung i-ốt, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày.

Minh Thu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm