Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Kiên quyết đóng cửa BV không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19
Lần đầu tiên từ đợt dịch thứ hai, Đà Nẵng không có ca mắc mới Covid-19, BN xuất viện nhiều nhất / Đà Nẵng: Xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả những người tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Như tin đã đưa, Đà Nẵng vừa liên tiếp đón nhận những tin vui sau hơn một tháng tái bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ hai: Từ chiều 25/8, Bệnh viện Đà Nẵng đã được gỡ bỏ phong tỏa, mở cửa hoạt động trở lại; ngày 26/8, lần đầu tiên Đà Nẵng không có ca mắc mới Covid-19 và là ngày có số bệnh nhân được xuất viện nhiều nhất (34 người) kể từ ngày 24/7 đến nay…
BSCKII Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng trao giấy chứng nhân cho các bệnh nhân Covid-19 được xuất viện tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang chiều 26/8.
Nhân dịp này, BSCKII Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã có những trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam và một số cơ quan báo chí về những định hướng tiếp theo của TP trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới.Xin Bác sĩ cho biết nhận định của lãnh đạo ngành y tế Đà Nẵng về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP đến thời điểm này?
BSCKII Ngô Thị Kim Yến: Những ngày gần đây số ca mắc mới Covid-19 ở Đà Nẵng ngày càng giảm. Hiện tình hình dịch trên địa bàn TP đang được kiểm soát. Tuy nhiên chúng tôi vẫn rất lo vì xuất hiện thêm các ca lâu nhiễm trong cộng đồng, như vậy là mầm dịch đã lưu hành trong cộng đồng một thời gian lâu , nên lúc này vẫn chưa thể nói đến chuyện lạc quan được. Do số ca ở cộng đồng vẫn đang tiếp tục phát hiện nên vẫn phải nỗ lực liên tục chứ không được phép chủ quan.
Điều thuận lợi là BV Đà Nẵng, cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối cùng của ngành y tế TP đã được gỡ cách ly để trở lại góp phần quan trọng vào công tác khám chữa bệnh cho người dân. Thực sự là khi cụm 3 BV gồm BV Đà Nẵng, BV C, BV Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng bị phong tỏa, rồi tiếp theo đó là các BV Hoàn Mỹ, Cẩm Lệ, Hải Châu… bị cách ly thì ngành y tế chúng tôi đã rất khủng hoảng, vì đây là lần đầu tiên xảy ra như vậy.
Trong khi đó, áp lực số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng dồn dập, có ngày lên tới 45 ca, nhiều ca rất nặng. Chúng tôi đã phải thiết lập ngay ở BV Phổi (quy mô 100 giường), BV dã chiến Hòa Vang (200 giường) những đơn nguyên về hồi sức tích cực, thậm chí chạy thận nhân tạo… để đáp ứng kịp thời việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Hết sức khó khăn, nhưng qua một tháng đã cơ bản được giải quyết, và từng bước chúng tôi đã kiểm soát được tình hình.
Ngành y tế Đà Nẵng có những biện pháp gì để không lặp lại tình trạng phải cách ly, phong tỏa cả loạt BV như thời gian vừa rồi?
Thực sự đối với ngành y tế Đà Nẵng, việc cả loạt BV trên địa bàn TP bị cách ly, phong tỏa vừa rồi là một bài học xương máu, và chúng tôi đang làm tất cả để chắc chắn rằng trong thời gian tới sẽ không bao giờ có một cơ sở y tế nào của Đà Nẵng lặp lại tình trạng này.
Có lẽ là một thời gian dài chúng ta đã ngủ quên trong chiến thắng, hàng ngày cứ đếm 60 ngày, 61 ngày, rồi chín mươi mấy ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng. Cho nên sự đề phòng, sự kiểm soát cũng có những phần chưa được tốt.
Qua những gì xảy ra vừa rồi là bài học cho tất cả các ngành, trong đó ngành y tế chúng tôi phải kiểm soát chặt. Lãnh đạo các đơn vị, các cơ sở y tế phải thấy rằng chỉ số an toàn về Covid-19 là một trong những tiêu chí sống còn của BV. Ngành y tế Đà Nẵng đã và đang tổ chức các đoàn kiểm tra từng nội dung, từng kế hoạch một của các đơn vị để nhắc nhở, uốn nắn.
Chúng tôi cũng đã nói rất nhiều với các BV, nếu trong thời gian ngắn sắp tới, BV nào không đạt được yêu cầu về “an toàn BV” thì Sở Y tế sẽ kiên quyết đóng cửa. Rất thẳng thắn. Phải đóng cửa các BV đó để đảm bảo thực hiện đúng Bộ tiêu chí “BV an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” theo quy định của Bộ Y tế. An toàn là trên hết!
Theo Bác sĩ, để đạt được mục tiêu kép chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế thì TP Đà Nẵng cần làm gì tiếp theo trong thời gian tới?
Để đạt được những kết quả bước đầu đến thời điểm này, bên cạnh nội lực của ngành y tế, chính quyền và người dân Đà Nẵng thì còn có sự hỗ trợ rất lớn và rất kịp thời của Trung ương, của Bộ Y tế và đặc biệt là của BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai và tất cả anh em ngành y tế của các tỉnh bạn.
Tuy nhiên chúng tôi xác định phòng chống dịch Covid-19 không bao giờ được dừng lại và chúng ta phải có chiến lược rõ ràng trong công tác này để đạt được mục tiêu kép chống dịch hiệu quả và giữ được nhịp độ phát triển kinh tế. Thực sự để kéo dài giãn cách xã hội là điều không ai mong muốn. Vậy thì làm thế nào để vừa chống dịch được, vừa không phải kéo dài giãn cách xã hội?
Bên cạnh những nỗ lực tiếp theo của các cấp chính quyền và ngành y tế, chúng tôi luôn mong mỗi một người dân là một chiến sĩ trên trận địa chống dịch bằng việc thường xuyên đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thường xuyên hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp… Và từng ngành cũng phải làm tốt những nhiệm vụ của mình.
Ví dụ như ngành y tế chúng tôi, bây giờ có một khái niệm rất hay là “Văn hóa Covid”, và phải làm thế nào để trở thành một yêu cầu bắt buộc. Đó là “BV an toàn với Covid, trường học an toàn với Covid, giao thông an toàn với Covid, cơ sở sản xuất, cơ sở làm việc an toàn với Covid, doanh nghiệp an toàn với Covid, và người dân cũng an toàn với Covid”...
Chỉ khi có sự đồng lòng cả xã hội thực hiện tốt các tiêu chí an toàn như vậy thì mới có thể thực hiện được mục tiêu kép, còn nếu không thì sẽ phải tốn rất nhiều, mất rất nhiều nguồn lực của ngành y tế cũng như của xã hội cho việc chống dịch.
Chúng tôi mong Đà Nẵng cũng như tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều cùng cố gắng. Nếu địa phương này sạch, kiểm soát được dịch mà nơi khác không kiểm soát được thì nơi đang kiểm soát được cũng không thể giữ lâu. Vì vậy đòi hỏi cả xã hội phải cùng chung tay vào thì lúc đó mới chống dịch thành công!
Xin cám ơn Bác sĩ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo