TP Hồ Chí Minh: Công tác kiểm soát dịch có hiệu quả, đúng hướng
F0 tăng cao, Bộ Y tế đề xuất cho phép nhà thuốc được kê đơn thuốc Molnupiravir / Đề xuất 7 loại giấy chứng nhận để F0 điều trị tại nhà hưởng bảo hiểm xã hội
Họp báo thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh ngày 14/3
Sở Y tế và Sở Giáo dục cũng đã họp, triển khai các hoạt động như hướng dẫn xử lý F0, có các kịch bản đáp ứng tuỳ theo điều kiện tình hình. Số trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng thời gian qua không nhiều nhưng Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19.
Đồng thời, để chủ động ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao, mới đây, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức); đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, các bệnh viện nhi tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc COVID-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.
Về mục tiêu phấn đấu vượt qua đỉnh dịch được đặt ra vào đầu tháng 3, Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, qua báo cáo ngày 9/3, số ca mắc của TP đang có xu hướng giảm liên tục, TP vẫn ghi nhận thêm các trường hợp nhập viện ở các tầng nhưng không tăng đột biến, số ca nặng và tử vong dù có tăng nhẹ nhưng vẫn đang ở mức thấp so với đợt đỉnh dịch vào tháng 8,9/2021. “Như vậy, việc kiểm soát dịch của các phường, xã, thị trấn có hiệu quả, chương trình hành động đi đúng hướng”, Chánh Văn phòng Sở Y tế nhận định.
Về việc quản lý F1, theo đại diện HCDC, tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã có một số quy định về quản lý F1 thoáng hơn so với thời gian trước đây. Cụ thể, các F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 từ 80% trở lên sẽ được đi làm ngay, phải thực hiện xét nghiệm vào ngày 3 và ngày 7. Gần như các doanh nghiệp trên địa bàn đều đã phủ 80% tiêmvắc xin nên hầu hết người lao động là F1 trên địa bàn đã có thể đi làm ngay. Tất nhiên, các đối tượng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp theo quy tắc 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn.
Đối với cơ sở có tỷ lệ tiêm chủng dưới 80%, người lao động chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 cần cách ly theo quy định. Tuy nhiên, người lao động đã tiêm vắc xin sẽ được cho đi làm ngay.
Hiện tại, người lao động là F0 trên địa bàn vẫn cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ Y tế về việc cách ly 7 ngày hoặc 14 ngày đối với trường hợp chưa tiêm đủ số mũi vắc xin phòng COVID-19.
Liên quan đến tiền hỗ trợ COVID-19, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho hay, theo thống kê, số lượt người thụ hưởng hỗ trợ đợt 1 là 15.536 người với khoảng 23,3 tỷ đồng; đợt 2 là 127.173 người với 190,7 tỷ; đợt 3 là 308.223 với số tiền 308 tỷ đồng.
Tại huyện Bình Chánh, đợt 1 có số người thụ hưởng là 35.445 người với 53,1 tỷ đồng; đợt 2 gồm 240.410 người với 360 tỷ; đợt 3 là 330.000 người với 330 tỷ. Tại quận Bình Tân, số người nhận hỗ trợ đợt 1 là 19.271 người với số tiền 28,9 tỷ đồng; đợt 2 là 203.509 người với 305,9 tỷ; đợt 3 gồm 442.345 người với 442,3 tỷ đồng.
Thực hiện kết luận số 113 ngày 2/3/2022 của UBND TP, ngày 7/3, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản số 8041, yêu cầu các địa phương có văn bản tổng hợp số người nhận hỗ trợ tiếp tục, đề nghị Sở Tài Chính tổng hợp chung báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh để có kinh phí cho quận, huyện tiếp tục chi trả cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo