Yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định giá
Đà Nẵng: Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu / Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh cao nhất khu vực ASEAN
Một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá, năm 2022, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của 15 doanh nghiệp thẩm định giá.
Trên cơ sở kết quả việc chấp hành quy định của pháp luật về thẩm định giá của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính thấy rằng, về cơ bản, các doanh nghiệp được kiểm tra đã chấp hành các quy định về quản lý hoạt động thẩm định giá và Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Các doanh nghiệp đã được kiểm tra trong các năm trước đây cũng đã có ý thức chấp hành pháp luật về thẩm định giá tốt hơn, các thiếu sót trước đây cơ bản được khắc phục mặc dù vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, trong quá trình kiểm tra nhận thấy, một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá (như không thông báo cho Bộ Tài chính khi thay đổi danh sách thẩm định viên; không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá; không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đồng thời không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp, phát hành Chứng thư thẩm định giá hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam) đều đã được lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tồn tại, thiếu sót cần được chấn chỉnh trong thời gian tới. Nguyên nhân chính của những thiếu sót này chủ yếu là do doanh nghiệp chưa quán triệt tốt việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, đặc biệt là việc cập nhật kịp thời các quy định mới, mặc dù các thẩm định viên đều đã có Giấy chứng nhận tham gia các lớp cập nhật kiến thức. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc kiểm soát, kiểm tra nội bộ hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp.
Một số thẩm định viên thiếu kinh nghiệm thẩm định giá
Cũng theo Cục Quản lý giá, một số thẩm định viên còn thiếu kinh nghiệm thẩm định giá, hiểu biết chưa sâu về tài sản thẩm định giá và thị trường của tài sản thẩm định giá nên chưa có những đánh giá, biện luận cần thiết trong quá trình thẩm định giá để có kết luận phù hợp về giá trị của tài sản thẩm định giá.
Qua kiểm tra cho thấy, một số hồ sơ thẩm định giá biện luận chưa đầy đủ về nội dung xác định cơ sở giá trị thẩm định giá; phân tích sơ sài thông tin tổng quan về thị trường tài sản; chưa thể hiện rõ ràng việc kiểm chứng thông tin thu thập…
Phương pháp thẩm định giá cũng vẫn còn một số thiếu sót, như đối với phương pháp chi phí, số liệu trước khi đưa vào tính toán chi phí thay thế/chi phí tái tạo chưa chi tiết; việc điều chỉnh các chi phí/đơn giá do các cơ quan có thẩm quyền quy định từ các năm trước về thời điểm thẩm định giá còn chưa đầy đủ hoặc chưa nêu cụ thể nguồn thông tin, thời điểm thu thập số liệu về chi phí/đơn giá tại hồ sơ; biện luận sơ sài bằng chứng khi đánh giá tỷ lệ hao mòn của công trình xây dựng; việc minh chứng xác định tuổi đời hiệu quả, tuổi đời kinh tế chưa chi tiết…
Nhận rõ những tồn tại, thiếu sót và chấn chỉnh kịp thời
Trước những tồn tại trên, Bộ Tài chính yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá nhận rõ những tồn tại, thiếu sót thông qua việc đối chiếu với tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình để nghiêm khắc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời.
Các đơn vị phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam trong quá trình thực hiện thẩm định giá; tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, trước hết là Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy trình thẩm định giá nhất là việc khảo sát, thu nhập và phân tích thông tin; lập đầy đủ các biên bản khảo sát thực trạng tài sản thẩm định giá và phiếu thu thập thông tin.
Các thông tin thu thập phải ghi rõ nguồn, bảo đảm tính khách quan, trung thực và được kiểm chứng, xác minh nhằm bảo đảm độ tin cậy và chất lượng thông tin trước khi đưa vào áp dụng các phương pháp thẩm định giá để ước tính giá trị tài sản cần thẩm định.
Đồng thời, các doanh nghiệp thẩm định giá cần ban hành quy định về kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đánh giá hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những sai sót trong quá trình thẩm định giá.
Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá đôn đốc, kiểm tra các thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp tham dự các khóa học cập nhật kiến thức theo quy định; báo cáo kịp thời với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) khi có sự thay đổi thông tin về doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên theo đúng quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh