Tổ chức khoa học công nghệ không tự chủ sẽ bị cắt ngân sách
Năm nay các Bộ ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, làm rõ nguyên nhân, nghiêm túc thực hiện tự chủ tất cả các tổ chức KHCN trực thuộc theo kế hoạch, đặc biệt là 154 tổ chức chưa phê duyệt đề án tự chủ, trên tinh thần “không gia hạn nữa, nếu tổ chức nào không chuyển sang tự chủ thì cắt ngân sách”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị toàn quốc về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập, sáng 6/3, theo Chinhphu.vn.
Ông Đam cho rằng Việt Nam không đặt ra mô hình tự chủ KHCN khác với thế giới. Mục đích tự chủ KHCN là để khắc phục những bất cập do bao cấp một thời gian rất dài dẫn đến sử dụng không hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KHCN, không tạo được động lực để các thành phần ngoài nhà nước đầu tư vào KHCN. Với cơ chế tự chủ, ngân sách nhà nước cấp cho tổ chức KHCN sẽ theo cơ chế đặt hàng thay vì theo biên chế như hiện nay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một trong những vấn đề cốt tử trong đổi mới, phát triển KHCN hiện nay là phải công khai minh bạch từ khâu ra đề bài, đề tài, nội dung rồi quá trình nghiệm thu kết quả đến thông tin kết quả nghiên của KHCN ở trong và ngoài nước để tránh phải lặp lại các nghiên cứu được thực hiện trước đó. Và tự chủ chính là khâu quan trọng nhằm thực hiện công khai minh bạch trong nghiên cứu KHCN ở Việt Nam hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ, sau 10 năm triển khai Nghị định 115 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập, đã có 488/642 tổ chức KHCN công lập được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%), trước hạn cuối cùng 31/12/2013. Trong đó, 295 tổ chức thuộc loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, 193 tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước theo phương thức khoán.
Hiện nay, 100% tổ chức KHCN đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ. Một số tổ chức KHCN có toàn bộ doanh thu năm 2014 từ các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KHCN, như: Viện Dầu khí Việt Nam với 601 tỷ đồng, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp là 712 tỷ đồng, Viện Nghiên cứu cơ khí là 680 tỷ đồng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là 350 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh cho biết chỉ tổ chức KHCN có nhiều nguồn thu từ hoạt động KHCN và có lợi nhuận ổn định thì mới thực hiện triệt để được cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Những tổ chức KHCN có chức năng đặc thù, năng lực hạn chế, kết quả nghiên cứu không thể hoặc khó thương mại hóa, không có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đang rất khó khăn nếu phải thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là tự chủ về tài chính. Thế nhưng đến nay, hầu như chưa có tổ chức KHCN nào bị sáp nhập, giải thể do hoạt động yếu kém hoặc không thực hiện lộ trình tự chủ theo quy định của Nghị định 115.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng qua gần 10 năm thực hiện Nghị định 115, khó khăn lớn nhất là nhận thức và ý chí hành động từ người đứng đầu các tổ chức KHCN đến lãnh đạo một số Bộ ngành, địa phương chưa đúng đắn, đầy đủ, thiếu quyết liệt, nghiêm túc trong triển khai. Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học tại hội nghị.
Đến nay, một số Bộ ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt xong đề án thực hiện tự chủ của các tổ chức KHCN công lập trực thuộc, thậm chí có địa phương chưa phê duyệt được đề án nào, như Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu. Nhiều bộ ngành còn chậm trễ trong ban hành, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 nhất là về chế độ, định mức tài chính; cơ cấu bộ máy theo đặc thù tổ chức KHCN tự chủ. Đây là nguyên nhân khiến rất ít tổ chức KHCN được giao quyền tự chủ thực sự về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực và liên kết, hợp tác quốc tế, nhất là ở các địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Đam thực tế tổng chi cho lĩnh vực KHCN của Việt Nam không thấp so với nhiều nước ở cùng trình độ phát triển trên thế giới. Dù rằng chưa đạt mức 2% tổng chi thường xuyên nhưng với nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng xã hội thì những thống kê chưa đầy đủ cho thấy tổng kinh phí dành cho các hoạt động KHCN là hơn 1% GDP. Tuy nhiên, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần phải sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực này để tăng kinh phí, tăng số người làm KHCN, đồng thời giảm tình trạng sử dụng kinh phí lãng phí, giảm số người vào bộ máy KHCN nhưng không làm khoa học.
Đánh giá việc thực hiện tự chủ trong KHCN mới chỉ tương đối tốt về vấn đề chuyên môn còn lĩnh vực tài chính, nhân lực, liên kết hợp tác có chuyển biến nhưng vẫn chậm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trước hết phải gỡ bằng được những vướng mắc do các quy định, hướng dẫn liên quan.
Từng bộ ngành, đặc biệt là địa phương, phải có những cách làm sáng tạo để tạo điều kiện cho các tổ chức KHCN trực thuộc chuyển sang tự chủ thuận lợi. Nêu thực tế nhiều địa phương chỉ giao các đề tài nghiên cứu KHCN cho một số ít công chức, lãnh đạo đơn vị KHCN hoặc các viện nghiên cứu ở nơi khác, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo địa phương cần khi giao các đề tài, nhiệm vụ phải ràng buộc để những người làm khoa học thật sự có thêm điều kiện làm việc, nâng dần trình độ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Màn săn mồi tinh vi, cá sấu bắt gọn kền kền nhờ kỹ năng ngụy trang điêu luyện
Vén màn nguồn gốc lâu đời của dòng họ Nguyễn ở Việt Nam, thủy tổ là nhân vật ít ai ngờ đến
Người phụ nữ béo nhất thế giới với cân nặng 353kg hiện tại ra sao sau khi giảm được 200kg?
Việt Nam có khúc gỗ quý niên đại hàng triệu năm, cứng ngang mã não, từng có cây được trả hơn 600 tỷ đồng
Ngôi làng Việt Nam nổi tiếng nức danh toàn cầu, có vị trí độc lạ giữa di sản thiên nhiên thế giới
Lý giải nguyên nhân vua chúa Trung Quốc cổ đại sử dụng áo quan bằng ngọc bích