Tóm tắt kết quả đàm phán TPP về dệt may
Bộ Công thương cho biết, gói dệt may trong Hiệp định TPP bao gồm 3 nội dung chính: Mở cửa thị trường (lộ trình xóa bỏ thuế quan); quy tắc xuất xứ và biện pháp tự vệ và hợp tác hải quan. Ngoài ra, Việt Nam có 2 thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ và Mexico về cơ chế đăng ký doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may.
Theo Bộ Công thương, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường TPP, đạt 11,2 tỷ USD năm 2014 (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sang các nước TPP), trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 9,8 tỷ USD. Đây là một trong những mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều từ Hiệp định TPP vì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và thuế suất tối huệ quốc của các nước thành viên TPP mà Việt Nam chưa ký FTA đang ở mức khá cao như Hoa Kỳ 17,5%, Canada 17%, Mexico 30% và Peru 17%.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% nhưng cũng được kỳ vọng có khả năng tăng trưởng tốt khi hàng dệt may xuất khẩu được áp dụng linh hoạt về quy tắc xuất xứ và được phép cộng gộp xuất xứ nguyên liệu trong các nước TPP.
Về thị trường Hoa Kỳ, 73,1% số dòng thuế sẽ được đưa về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 19,7% số dòng thuế sẽ được giảm thuế từ 35% đến 50% so với thuế MFN tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 11 và 13; 7,2% số dòng thuế sẽ có thuế suất bằng 0% vào năm thứ 6. Nếu tính theo kim ngạch xuất khẩu năm 2014, ngay khi hiệp định có hiệu lực, hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ có khả năng tiết kiệm được 63,5% tiền thuế nhập khẩu, tương đương 1,1 tỷ USD nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định.
Về thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Canada có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4.
Mexico và Peru là 2 nước sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn nên duy trì chính sách bảo hộ cao đối với ngành công nghiệp này. Thuế nhập khẩu vào Mexico và Peru chỉ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16. Ngoài ra, Mê-hicô áp dụng hạn chế định lượng đối với một số mặt hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu được hưởng thuế 0% nhưng sử dụng nguyên liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt hoặc danh mục “cắt và may” được nhập khẩu từ ngoài khu vực TPP.
Theo Bộ Công thương, hàng hóa xuất khẩu muốn được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo Hiệp định TPP phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định này. Đối với dệt may, quy tắc xuất xứ chủ đạo là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối TPP.
Quy tắc này khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối TPP và khối cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, Hiệp định quy định một số trường hợp có quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn như: 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm: vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bé bằng sợi tổng hợp. Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực TPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong 5 năm.
Ngoài ra, cơ chế 1 đổi 1 áp dụng với quần nam nữ bằng vải bông xuât khẩu sang Hoa Kỳ. Doanh nghiệp mua 1 đơn vị vải bông thích hợp làm quần có xuất xứ từ Hoa Kỳ sẽ được phép sử dụng 1 đơn vị vải bông nhập khẩu từ ngoài khu vực TPP để may quần xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hưởng thuế 0%. Tỷ lệ quy đổi giữa vải bông xuất xứ Hoa Kỳ và vải bông được phép nhập khẩu ngoài khối TPP khác nhau giữa quần nam và quần nữ.
Cũng theo Bộ Công thương, Hiệp định TPP cho phép nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ, tăng thuế ưu đãi trở lại mức thuế MFN nếu lượng nhập khẩu từ các nước TPP có khả năng gây ra hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Khi áp dụng biện pháp tự vệ, nước nhập khẩu phải có giải pháp đền bù thiệt hại về kinh tế mà nước xuất khẩu phải gánh chịu do không được hưởng thuế ưu đãi như trong Hiệp định.
Các nước TPP thống nhất hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực hải quan, chống gian lận xuất xứ để hưởng lợi bất hợp pháp thuế ưu đãi TPP. Cũng với mục tiêu này, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ và Mexico sẽ đăng ký các thông tin cơ bản về doanh nghiệp, mặt hàng sản xuất, xuất khẩu để chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ và Mexico phục vụ công tác đánh giá rủi ro trong lĩnh vực hải quan, phòng chống gian lận thương mại.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chile, Newzealand và Singapore. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010. Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu với 800 triệu dân được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Ngày 5/10/2015, 12 nước TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định và sẽ tiến hành rà soát pháp lý và hoàn tất các công việc kỹ thuật. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo