Tổng thống Obama: "Sông núi nước Nam vua Nam ở"
Vào 12h, "quái thú" của Tổng thống Obama đã vào sân sau Trung tâm hội nghị quốc gia, qua cổng số 1, ngay cạnh khách sạn Marriott nơi ông ở. Đoàn tháp tùng Tổng thống bước vào hội trường. Tổng thống Obama bước vào bục phát biểu, và nói "Xin chào, xin chào Việt Nam." trước 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân Việt Nam.
"Chúng tôi cám ơn sự chào đón nồng nhiệt mà các vụ đã dành cho chúng tôi. Xin cám ơn sự có mặt của các bạn ở đây. Sự thân thiện của người Việt đã chạm tới trái tim tôi. Nhiều người đưng bên đường, vẫy chào tôi. Đêm qua tôi ăn thử bún chả và uống vài chai bia Hà Nội.
Tôi phải nói rằng tôi chưa từng nhìn thấy nhiều xe máy như vậy ở thủ đô Hà Nội. Tôi chưa từng thử đi ngang qua đường nhưng khi trở lại, tôi hy vọng mình dám bước qua." ông Obama nhắc đến "bún chả" và "bia Hà Nội" bằng tiếng Việt khiến nhiều người trong hội cười vỗ tay tán dương.
"Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi cũng là người đầu tiên như trong số các bạn đã trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.", ông Obama nói.
Cũng theo ông Obama, khi lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc đó tôi 13 tuổi, do vậy lần đầu tiên được tiếp xúc với người Việt Nam, khi mà tôi lớn lên ở Hawaii, tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi. Nhiều người trẻ Việt Nam cũng như hai con gái của tôi khi sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, do vậy khi đến đây tôi ý thức về quá khứ nhưng chúng ta nên hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để chúng ta có thể thúc đẩy lẫn nhau.
Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam. Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy ở những mảnh đất này. Chúng ta đã có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm.
Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là bằng chứng kiến thức của Việt Nam. Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng cây tre cũng như tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời.
Nhắc lại quá khứ, Tổng thống Obama khẳng định chiến tranh chỉ mang lại bi kịch. "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời Tổng thống Jefferson của Mỹ: Chiến tranh, dù ý tưởng cao thượng đến đâu cũng mang đến đau đớn. Ai ai cũng có thể nhận thức được điều này. Dấu vết của chiến tranh vẫn hiện hữu trên đất Mỹ và cả ở trên đất Việt Nam.
Ở nghĩa trang của các bạn, trên những bàn thờ của hàng triệu gia đình, hơn 3 triệu người Việt, cả người lính và thường dân đã thiệt mạng trong chiến tranh. Người Việt và người Mỹ chúng ta phải ghi nhận những người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.
Hai thập kỷ qua, Việt - Mỹ đạt được những thành tựu lớn trong quan hệ. Cuộc chiến tranh chia rẽ chúng ta nhưng giờ đây hay nước đã hàn gắn. Chúng tôi quy tập những người Mỹ trong chiến tranh và dò những bãi mìn còn sót lại. Chúng tôi tự hào về những công việc mà chúng ta đã phối hợp với nhau ở Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa. Chúng ta cũng không thể để trẻ em mất một phần cơ thể vì những gì còn sót lại trong cuộc chiến.
Quá trình hòa giải của chúng ta không chỉ là giữa những cựu chiến binh. Hai nước chúng ta không nên làm kẻ thù mà cần làm bạn. Thượng nghĩ sĩ John McCain đã nói như vậy với Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Trong bài phát biểu của mình, ông Obama mong muốn chia sẻ "giá trị giáo dục" cho giới trẻ Việt Nam. Ông Obama giới thiệu "Đại học Fulbright Việt Nam" như một minh chứng.
Tổng thống Mỹ nhắc đến giáo sư Ngô Bảo Châu để lưu ý đến năng lực thật sự của trí thức Việt Nam, ông cũng nhắc đến Hai Bà Trưng như cách ủng hộ phụ nữ Việt Nam cần được tiếp cận rộng rãi hơn đến mọi mặt của cuộc sống: giáo dục, sự nghiệp, công việc...
Nhìn vào lịch sử và những thách thức đã vượt qua, ông Obama bày tỏ vui mừng khi đứng đây để nói về nền tảng tương lai. "Chúng tôi vô cùng lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta. Như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn."
Gần cuối bài phát biểu, Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ vô cùng lạc quan vào tương lai quan hệ hai nước. “Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta. Như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn. Tương lai nằm trong tay các bạn và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Tôi nghĩ rằng, các bạn sẽ luôn nhớ về khoảnh khắc khi tôi đúng ở đây nói với các bạn”, Obama nói.
Lãnh đạo Mỹ lẩy câu Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” làm lời kết cho bài phát biểu đầy ý nghĩa của ông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo