Khám phá

Tràn lan tin nhắn rác quảng cáo và lừa đảo

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT) Lê Nam Thắng cho biết: Kinh tế đang có dấu hiệu cải thiện nên nhu cầu quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cũng tăng lên, đặc biệt là bất động sản. Đây có thể là lý do khiến tin nhắn rác lại bùng phát thời gian gần đây.

“Giội bom” tin nhắn rác

Bị “giội bom” tin nhắn rác vào giờ làm việc, nghỉ trưa thậm chí là ban đêm khiến không ít thuê bao bực mình.


Tin nhắn lừa đảo khiến người tiêu dùng bức xúc. Ảnh: Lê Phú


Đang nóng ruột chờ cuộc điện thoại giao dịch làm ăn, chị Phan Hồng Liên, phố An Dương (Hà Nội) đã liên tiếp phải đọc 3 tin nhắn rác từ đầu số mạng MobiFone mời chào các dự án bất động sản (BĐS), biệt thự nghỉ dưỡng khắp cả nước. Còn anh Nguyễn Tuấn Anh (Bạch Mai, Hà Nội), chủ số thuê bao 090325xxxx bức xúc: “Chỉ vài phút, tôi nhận được tới 4 tin nhắn rác mời mua các dự án BĐS từ đầu số của mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone. Họ rao bán đủ loại BĐS với nhiều chiêu khuyến mại. Không hiểu sao đợt này, tin nhắn rác bùng phát dữ dội mà cơ quan chức năng không xử lý”.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chị Nguyễn Thùy Linh - Khu chung cư Linh Đàm (Hà Nội) nói: “Tôi rất dị ứng khi đọc các tin nhắn rác từ đầu số lạ, đặc biệt là loại quảng cáo mời mua hàng, sim số đẹp hoặc thông báo chương trình khuyến mại sản phẩm mà tôi không có nhu cầu. Do chỉ dùng một số duy nhất nên nhìn thấy tin nhắn rác, tôi không đọc mà xóa ngay”.

Hiện nay, nhiều thuê bao thường nhận được các tin nhắn mời chào mua biệt thự, chung cư từ cao cấp đến bình dân như: Biệt thự Berjaya - Thạch Bàn (Long Biên), Chung cư New Skyline (Văn Quán, Hà Đông) hay ở phân khúc bình dân có Dự án HH3 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội)... Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), chủ đầu tư dự án New Skyline (Văn Quán, Hà Đông) cho rằng: Chủ đầu tư không muốn bán hàng theo cách này vì những dự án tên tuổi sẽ bị đánh đồng với dự án chậm tiến độ, kém uy tín. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm ra các sàn phân phối, mỗi sàn lại có hàng trăm nhân viên bán hàng nên không tránh khỏi tình trạng nhân viên đó sẽ tìm đủ mọi cách để giới thiệu cho khách hàng thông qua hình thức tin nhắn, nhất là trước áp lực đẩy mạnh doanh số, giảm hàng tồn.

Còn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) cho hay: Dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều đơn vị tham gia phân phối dự án. Việc các sàn giao dịch nhắn tin quảng bá bán căn hộ, phía chủ đầu tư không nắm được.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh ông Lê Hoàng Châu cho rằng: Do quá nhiều thông tin trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn khiến thông tin bị nhiễu và có phần sai lệch. Do đó, tin nhắn chào mời mua bán BĐS không thể trở thành giải pháp cho doanh nghiệp mà còn tạo cảm giác hoài nghi cho khách hàng.

Tin nhắn lừa đảo hoành hành

Mới đây, anh N.V.H (Hà Nội) kể rằng: Anh đã nhận được cuộc điện thoại từ một người và nhắn tin thông báo anh đã trúng 1 xe máy Liberty từ nhà mạng VinaPhone. Sau khi đề nghị anh khai báo thông tin cá nhân, đầu dây bên kia nói anh H mang tiền ra một địa điểm để đóng tiền thuế khoảng 5 triệu đồng. “Nghi ngờ, tôi gọi tổng đài VinaPhone để kiểm tra thì biết rằng, thông tin trúng thưởng là không chính xác”, anh N.V.H bức xúc.

Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các thuê bao thông qua hình thức phát tán hàng triệu tin nhắn rác của ba Công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương. Đối tượng Lê Ngọc Tiến đã lập 3 công ty trên để phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà mạng. Tiến đã chỉ đạo nhân viên sử dụng máy tính kích hoạt sim qua D-Com 3G, dùng phần mềm SMS caster để gửi tin nhắn rác đến các thuê bao, trong đó có tin nội dung lừa đảo, chèo kéo khách hàng soạn tin nhắn gửi về những đầu số trên.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh Thanh tra Bộ TT - TT, tình trạng phát tán tin nhắn rác đang hoành hành người dân và ngày càng có nhiều công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) phát tán tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung cờ bạc, lô đề. Những hành vi này nhằm lừa đảo người dùng điện thoại di động gọi lại, hoặc nhắn tin vào các đầu số để chiếm đoạt cước. Bên cạnh việc lạm dụng các đầu số 6x và 8x, hiện nay còn xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng ngay các đầu số 1800, 1900 vốn trước nay đảm nhận chức năng chăm sóc khách hàng để dùng thay cho đầu số nhắn tin.

baotintuc.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo