Tràng Tiền Plaza đóng cửa sớm càng tốt?
Theo phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: Tránh "bão" kinh tế, Tràng Tiền Plaza nên tìm "nơi trú ẩn", tạm ngưng hoạt động hoặc đóng cửa một thời gian.
Nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, ngay cạnh hồ Gươm, lại được thiết kế sang trọng, sáng sủa, đẹp đẽ, không gian sảnh lớn, hành lang rộng, kết nối hài hòa với các bố cục không gian khác, Tràng Tiền Plaza đã trở thành khu vui chơi, mua sắm đệ nhất Hà thành.
Đặc biệt, từ khi được doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn - người được mệnh danh là ông chủ của đế chế hàng hiệu - "tái sinh" hồi tháng 4 vừa qua sau 4 năm đóng cửa, Tràng Tiền Plaza như “thay áo mới”, nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng.
Tuy vậy, vì định hướng vào phân khúc hàng hiệu đẳng cấp, sang trọng nên chỉ sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, lượng khách hàng tới Tràng Tiền Plaza ngày càng thưa thớt, nhiều người đến đây với tâm lý thăm quan là chính. Có lẽ vì vậy mà giới kinh doanh trong ngành ái ngại cho hoạt động kinh doanh tại Trung tâm thương mại này (TTTM). Thậm chí, chuyên gia phong thủy Kiều Quang Dũng đã dự báo: “Căn bệnh của Tràng Tiền Plaza nếu không mạnh dạn chữa trị thì tương lai sẽ trở thành một khối u đẹp mã ở trung tâm Hà Nội”.
Đứng ở góc độ là một chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyên nhủ: Tràng Tiền Plaza cần cân đối, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh hoặc ngưng một thời gian thay vì đổ thật nhiều tiền vào đó để rồi không gượng lên được.
Thực tế đã chứng minh, ở TP.HCM, có nhiều TTTM cao cấp ra đời nhưng lần lượt đều kinh doanh thất bại. Có nhiều trung tâm buộc phải “biến tướng” để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Đơn cử là trường hợp của một trung tâm rất hoành tráng ở quận I, TP.HCM là Kumho Asiana Plaza Sài Gòn. Từ một trung tâm mua sắm đồ sộ, TTTM này đã biến thành trung tâm ăn uống, ẩm thực. Một số TTTM cao cấp khác cũng có doanh số giảm 20 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hà Nội, mặc dù nằm ở “khu đất kim cương” của thủ đô, có bề dày giá trị văn hóa và lịch sử, được đầu tư nâng cấp nội thất hoành tráng, nhưng Tràng Tiền Plaza cũng gánh chịu những khó khăn khi bước vào cuộc chơi thực sự giữa các trung tâm mua sắm hàng hiệu.
Càng đáng lo ngại hơn khi trước đó, Grand Plaza (ông chủ là công ty IDJ - một đơn vị khá tên tuổi trong làng bất động sản) đã thua thảm hại trong cuộc chơi này. Không phải nhà khai thác và vận hành TTTM chuyên nghiệp, chỉ là đơn vị trung gian, mua thứ cấp sàn thương mại và bán lại hoặc cho thuê lại để kiếm lời nên đã dẫn đến việc các chủ gian hàng vào thuê tại Grand Plaza mỗi người bài trí cửa hàng theo một phong cách riêng, giá cả lộn xộn, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, chính sách khuyến mãi mỗi chủ cửa hàng một khác. Điều đó khiến cho khách hàng mua sắm thưa thớt dần và khách thuê bỏ đi gần hết khiến "thiên đường mua sắm" này biến thành "thiên đường trống vắng".
“Giống như trước một cơn bão, thấy bão ngoài kia, biết mà vẫn ra khơi là rất nguy hiểm. Tôi nghĩ Tràng Tiền Plaza nên tìm chỗ núp trong thời điểm này, hoặc tìm 1 con đường khả thi hơn để có thể kinh doanh được. Đừng phóng lao rồi theo lao để rồi dẫn tới bước đường cùng. Vẫn biết khi dừng kinh doanh, dòng tiền đầu tư khổng lồ sẽ bị ngưng đọng, nhưng thà tổn thất 1 còn hơn tiếp tục đầu tư, vận hành dẫn tới tổn thất cao hơn gấp 5 - 7 lần” - ông Nguyễn Văn Đực nhấn mạnh.
Lý giải về việc hàng loạt các TTTM ế ẩm, ông Đực cho biết, ngoài nguyên do bởi nhu cầu mua sắm cắt giảm của người dân, do ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái còn có lý do bởi quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM này nhận xét: Hiện nay, trên thị trường đã có quá nhiều TTTM. Chúng ta đã đi một bước quá xa so với năng lực của chính chúng ta. Nền kinh tế phát triển nóng, nóng từ căn hộ cao cấp, diện tích lớn có giá trị vài tỷ cho tới vài chục tỷ, kèm theo đó là các khu TTTM siêu cao cấp. Đặc biệt, quy hoạch kiến trúc sau này luôn có điều kiện xây khu TTTM trong các chung cư. Bất cứ chung cư ở vị trí nào cũng đều có 10 - 20% diện tích của khu vực đó dành riêng cho xây dựng khu mua sắm, thương mại.
“Nhiều nhà đầu tư ảo tưởng về chuyện này đã đua nhau sử dụng cho triệt để, dùng hết 10 - 20% diện tích cho phép để xây khu dịch vụ thương mại, thậm chí, xây TTTM hoành tráng, ngốn rất nhiều tiền của, nâng giá thành của căn hộ tăng cao. Cứ mỗi chung cư lại có một TTTM dẫn tới cảnh dư thừa, làm sao mà cạnh tranh được, trong khi nền kinh tế yếu kém đi, sức mua suy giảm” - ông Đực lưu ý.
Theo ông Đực “ngay từ luật đã có sự lạc quan thái quá”. Luật đã tạo nên một “cái bẫy” khiến các doanh nghiệp đua nhau xây khu TTTM, còn các doanh nghiệp Việt cũng tham lam khi cố gắng mọi cách để xây TTTM thật hoành tráng, xa xỉ để quảng cáo, để kiếm thêm lợi nhuận từ việc tăng giá bán nhà ở. Lòng tham của các doanh nghiệp khi đầu tư nhiều TTTM đã tạo áp lực lớn cho các khu mua sắm từ bình dân cho tới cao cấp.
Chính vì vậy, “quá khó cho các TTTM lớn như Tràng Tiền Plaza để thoát khỏi khó khăn” - ông Đực nói. “Tôi nghĩ các TTTM lớn như Tràng Tiền Plaza phải xem xét lại hoặc ngưng hoạt động một thời gian vì cảnh trăm người bán một người mua này” - ông Đực một lần nữa kết luận.
Theo Trí thức trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Cột tin quảng cáo