Trẻ dễ viêm phổi, ngộ độc vì dùng phấn rôm
Con khó thở khi dùng phấn rôm
Vợ chồng chị Trần Thị Hương (Yên Mỹ - Hưng Yên) có thói quen dùng phấn rôm thoa cho bé mỗi khi tắm xong để chống hăm. Thấy bôi xong da của con có vẻ khô, thơm tho, mát mẻ khiến chị nghĩ phấn rôm có thể làm mát da, chống rôm sảy, chống hăm nên càng bôi nhiều hơn. Nhưng thời gian gần đây, da em bé bị viêm đỏ, ngứa, da xuất hiện các mụn nước do hăm càng nhiều và nặng hơn. Đi khám, các bác sĩ cho biết vì dùng phấn rôm lâu ngày làm bít tắc chân lông gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da khiến hăm của trẻ càng nặng hơn. Không chỉ vậy, cháu bé còn bị ảnh hưởng đường hô hấp, thở phì phò cũng vì hít phải phấn rôm nhiều.
Theo BS Nguyễn Thị Kim Thoa (BV Nhi Đồng 1 TP HCM), thường các bậc cha mẹ hay sử dụng phấn rôm khi tắm cho trẻ xong với mong muốn tránh rôm sảy, mẩn ngứa do tã lót. Nhưng thực chất nếu dùng không cẩn thận có thể làm ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ. Bình thường, nếu chỉ sử dụng để bôi ngoài da thì phấn rôm không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ, nhưng nếu trẻ hít phải phấn rôm có thể ảnh hưởng đường hô hấp do tắc đường dẫn khí gây ra tình trạng thiếu ôxy.
Trẻ bị ngộ độc cấp do hít phải phấn rôm thường có biểu hiện ho, khó thở, thở có tiếng rít, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái và phù phổi. Biểu hiện lâm sàng thường nặng theo thời gian, diễn tiến suy hô hấp xuất hiện sau nhiều giờ.
Bé gái sử dụng càng nguy hại
BS Phạm Thanh Xuân, Phó Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng nào khẳng định phấn rôm chống hăm hiệu quả. Để chống hăm cho trẻ cần phải sử dụng thuốc điều trị, việc bôi phấn rôm để chống hăm cho trẻ có khi còn làm cho nặng hơn vì da đang bị tổn thương, vi khuẩn dễ xâm nhập. Hơn nữa, nhiều bậc cha mẹ sử dụng phấn rôm cho con vì nghĩ rằng, trong phấn rôm có chứa rất nhiều thành phần có khả năng hút ẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng thấm hút của phấn rôm rất thấp so với tã, lại có thể gây nên những kích ứng cho da của bé. Bởi vậy, thay vì thoa lên cơ thể bé một lớp phấn rôm sau khi tắm, cha mẹ nên dùng khăn khô, vải mềm thấm nhẹ cho trẻ sẽ tốt hơn mà cũng không phải lo lắng đến những ảnh hưởng của phấn rôm.
Theo BS Nguyễn Thị Kim Thoa, hít phải lượng phấn rôm nhiều, trẻ có thể viêm phổi khiến cho phổi bị sưng, viêm và gây bệnh trong đường thở. Khi hít phải, phấn rôm sẽ xâm nhập vào tận các phế nang đến phổi làm tắc đường dẫn khí dẫn tới ho, thậm chí suy hô hấp. Hít phải một lượng lớn, loại bột này sẽ hút khô các chất mà lớp ngoài của khí quản tiết ra, phá hoại chức năng của khí quản và có khả năng gây tắc khí quản. Điều đáng nói là hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà mới chỉ có thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.
Một thói quen sai lầm của nhiều cha mẹ hiện nay là dùng phấn rôm thoa vào “vùng kín” để làm khô ráo cơ quan sinh dục của bé gái. Điều này sẽ gây nguy hại cho trẻ vì có thể dễ mắc bệnh viêm nhiễm, tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
Trên thực tế, đã có những trường hợp ngộ độc phấn rôm liều lớn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được ghi nhận. Có trường hợp đã tử vong. Theo báo cáo hàng năm của Trung tâm kiểm soát độc chất Mỹ, có gần 6.300 ca ngộ độc phấn rôm trong năm 2002, 91% trong số đó là trẻ dưới 6 tuổi và gần 5% là người lớn. Các nhà nghiên cứu Pháp cũng khuyến cáo, việc sử dụng phấn rôm trong một thời gian dài ở các bé gái làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng nhiều hơn 4 lần so với trẻ không dùng. Theo thống kê, cứ 70 bé gái sử dụng phấn rôm có một em bé sẽ bị u ác tính ở buồng trứng.
BS Phạm Thanh Xuân khuyến cáo, để có thể tránh những hậu quả nguy hại đến sức khỏe, khi sử dụng phấn rôm cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chọn những sản phẩm có uy tín, chất lượng đã được chứng nhận, chú ý đến hạn dùng của phấn… Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ cầm hộp phấn rôm để chơi và đưa vào mồm ngậm.
Chỉ nên dùng phấn rôm cho vùng mông hoặc lưng của trẻ, không nên dùng ở phần cơ quan sinh dục hay cổ vì vị trí này gần mũi, mồm, khiến bé dễ hít bột phấn. Với những vùng da bị hăm, tổn thương, mẩn ngứa cần tránh bôi phấn rôm vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da cho trẻ.
Khi dùng không nên đổ trực tiếp phấn rôm lên da mà dốc phấn rôm nhẹ nhàng ra lòng bàn tay rồi thoa từ từ lên người trẻ ở những nơi có rôm và có khả năng có rôm, không dùng bông để thoa chấm vì như vậy sẽ làm tung bột phấn, khiến trẻ dễ hít phải. Sau khi sử dụng phải đậy nắp lại cẩn thận, để nơi khô ráo và xa tầm tay trẻ.
Thanh Hương
End of content
Không có tin nào tiếp theo