Trung cấp nghề sống nhờ đào tạo ngắn hạn
Lấy ngắn nuôi dài
Thông tin của Phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.Hồ Chí Minh, trong năm 2011 các trường cao đẳng - trung cấp tuyển được 7.228 học sinh bậc trung cấp nghề, bậc sơ cấp nghề là 40.588 và dạy nghề dưới 3 tháng là 36.302.
Rất nhiều trường không thể tuyển sinh được bậc trung cấp hoặc nếu có thì số lượng chỉ đạt khoảng 10-20% chỉ tiêu đề ra.
Chẳng hạn các trường trung cấp nghề như: Đông Sài Gòn hoàn toàn không tuyển được, Nhân lực quốc tế tuyển 36 học sinh, Du lịch và ngoại ngữ Khôi Việt tuyển được 90, Việt Giao là 68, Kinh tế - kỹ thuật Sài Gòn 3 là 14...
Vì không tuyển được bậc nói trên, để tồn tại, các trường mở rộng khóa sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Trong năm 2011, các trường trung cấp nghề như: Thủ Đức thu hút được 3.561 người học nghề ngắn hạn, Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương là 3.322, Nhân lực quốc tế là 2.237, Đông Sài Gòn là 2.071 và Quang Trung là 1.804...
Đây là điều nghịch lý khi trường trung cấp nghề lại chủ yếu đào tạo ngắn hạn giống như một trung tâm dạy nghề!
Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần vì nhiều trường Đại học - Cao đẳng hiện nay chuyển sang đào tạo cả hệ nghề với chính sách liên thông thuận lợi khiến người học hứng thú hơn.
Nguyên nhân nữa là chính sách đối với người học nghề vẫn còn chưa được quan tâm, ngay như mức lương của học sinh hệ này sau khi ra trường cũng thấp so với người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp”.
Ông Hiệp nhấn mạnh vị thế của người học nghề còn chưa được xã hội nhìn nhận đúng đắn và ngay cả những người làm chính sách cũng còn phân biệt, thì đào tạo nghề khó thu hút người học là điều dễ hiểu.
Khó càng thêm khó
Đại diện các trường nghề cho biết, về mặt thông tin, các trường nghề luôn phải tự chủ động quảng bá chứ không có một tài liệu nào tổng hợp tin tức tuyển sinh hằng năm của các trường nghề để tiếp cận người học.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết thêm: “Đó là chưa kể trong năm nay, các trường Đại học - Cao đẳng được tuyển sinh các nguyện vọng mà không bị giới hạn về thời gian, miễn là gọi đủ chỉ tiêu. Trong khi thời điểm tuyển sinh của trường nghề chủ yếu vào khoảng thời gian tháng 9 đến cuối năm sau, khi một bộ phận thí sinh đã biết mình không đậu Đại học - Cao đẳng. Với tình hình này, nhiều thí sinh sẽ tiếp tục quay về địa phương để tìm cơ hội ở các trường Đại học - Cao đẳng gần nhà chứ không chọn học nghề nữa”.
Để giải quyết tình trạng này, ông Trần Bá Khải - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ, một trường vừa được thành lập trên cơ sở Trường trung học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, tìm giải pháp: “Chúng tôi sẽ bám theo các mốc thời gian tuyển sinh của Đại học - Cao đẳng. Đó là các thời điểm sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, nhiều thí sinh điểm thấp dưới sàn sẽ là đối tượng của trường nghề. Đợt 2 là sau 15.9 và đợt 3 là đầu tháng 11. Lúc này dù muốn hay không các trường Đại học - Cao đẳng cũng phải kết thúc việc tuyển sinh vì chắc chắn họ cũng không muốn thời gian kéo quá dài, ảnh hưởng tới chương trình học tập”.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ