Khám phá

Trung Quốc quan tâm đặc biệt tới mỏ kim cương Nam Cực?

Trung Quốc vừa cho xây thêm trại nghiên cứu thứ 4 - trại Thái Sơn tại Nam Cực. Hành động tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi một nhóm nghiên cứu phát hiện ra mỏ kim cương ở Nam Cực.

Nhật báo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cho xây dựng ba trạm nghiên cứu Nam Cực là Trường Thành, Trung Sơn và Côn Luân.

“Là quốc gia đến sau trong việc nghiên cứu khoa học ở Nam cực, Trung Quốc đang cố đuổi kịp các nước khác” - Nhật báo Trung Quốc dẫn lời quan chức Cục Hải dương Trung Quốc Khúc Đàm Trụ cho biết.
 
Tàu phá băng của Trung Quốc tại Nam Cực hồi đầu tháng 12/2013
 
Tòa nhà chính của trại Thái Sơn được hoàn thành vào năm 2014, với dự kiến sẽ được thi công trong vòng 40 ngày. Trạm nghiên cứu này sẽ được sử dụng trong mùa hè để nghiên cứu địa chất học, khoa học địa chất, địa từ và các sông băng.
 
Trung Quốc đã đưa nhóm thám hiểm đầu tiên tới lục địa băng này năm 1984 và xây dựng trạm nghiên cứu đầu tiên ở Nam cực chỉ một năm sau đó.
 
Hiện nay có khoảng  30 quốc gia điều hành các trạm nghiên cứu tại Nam Cực, trong đó có Mỹ, Nga, Úc, Anh, Pháp, Argentina.
 
Trước đó, Trung Quốc đã bác đề xuất xây dựng hai khu bảo tồn động thực vật khổng lồ tại Nam Cực. Động thái này đã vấp phải những phản ứng của giới hoạt động môi trường, họ cho rằng vùng biển chứa 16.000 loài động thực vật khác nhau, trong đó có những loài quý hiếm như cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt... đang bị đe dọa.
 
Hành động xây thêm căn cứ mới của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi một nhóm chuyên gia địa chất Anh công bố phát hiện bằng chứng cho thấy kim cương tồn tại ở những ngọn núi phủ băng tại Nam Cực.
 
Theo khảo sát được công bố trên tạp chí Nature Communication, các nhà khoa học đã phát hiện tại khu vực quanh năm đóng băng ở Nam Cực đá kimberlite - loại đá núi lửa kali thường có chứa kim cương.
 
Họ thông báo đã tìm thấy ba mẫu kimberlite ở sườn núi Meredith, phía Bắc dãy núi Prince Charles.
 
Kim cương được tạo thành từ carbon ròng dưới áp suất và nhiệt độ cực cao ở độ sâu khoảng 150 km dưới lòng đất. Núi lửa phun mang theo dạng tinh thể quý giá này lên mặt đất và thường được bao bọc bằng loại đá màu hơi xanh kimberlite nói trên. Hiện một số nơi giàu trữ lượng kimberlite đã được ghi nhận ở Nam Phi, Siberia và Úc.
 
Đây là lần đầu tiên kimberlite được phát hiện tại Nam Cực nhưng việc khai thác còn gặp nhiều trở ngại về pháp lý. Một nghị định thư về bảo vệ môi trường trong Hiệp ước Nam cực được bổ sung hồi năm 1991 ngăn cấm mọi hoạt động khai thác nguồn tài nguyên nơi này, ngoại trừ cho mục đích nghiên cứu khoa học.
 
Việc khai thác kim cương ở đây sẽ được xem xét lại vào năm 2041.
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo