Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc tự gây khó cho mình

Quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Trung Quốc với đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 5 đang phát ra những tín hiệu trái chiều. Mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc trên lĩnh vực đối ngoại ngày càng lớn.

Tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc đâm tàu Kiểm ngư HP926 của Việt Nam. Ảnh: Công Khanh

Một mặt, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nước lớn, ngoại giao láng giềng, kêu gọi hợp tác hữu nghị. Mặt khác, Trung Quốc cũng gia tăng đòi hỏi yêu sách chủ quyền, đơn phương gây căng thẳng với các bên tại biển Hoa Đông, biển Đông, khiến cho cộng đồng quốc tế và khu vực ngày càng quan ngại.

“Mâu thuẫn” này thực ra nằm trong một chiến lược đã được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc trên nhiều yếu tố, phương diện. Nhưng qua những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy rằng Trung Quốc chưa tính toán hết phản ứng của các nước, và chưa lường hết các tác động bất lợi đối với chính lợi ích của Trung Quốc. 
 
Nhằm đạt được mục tiêu gia tăng ảnh hưởng thông qua thúc đẩy hợp tác, Trung Quốc đã đầu tư tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn lớn và quan trọng của khu vực. Họ đưa ra nhiều sáng kiến liên kết nhằm quảng bá cho cái gọi là hợp tác cùng thắng “win-win” giữa các bên. 
 
Hội nghị Phối hợp Xây dựng lòng tin châu Á lần thứ 4 (20-21/4/2014) tại Thượng Hải; Hội nghị Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 (22-23/4/2014) tại Thanh Đảo; Hội nghị Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2014 (10-14/4/2014) tại Hải Nam; Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 20 (16-18/5/2014) là các ví dụ cụ thể. 
 
Từ các diễn đàn này, Trung Quốc liên tiếp đưa ra các ý tưởng về xây dựng “Khuôn khổ quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ, Nga, EU, xây dựng “Vành đai kinh tế tơ lụa Á-Âu” với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), xây dựng “Cộng đồng Kinh tế châu Á”, sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” với ASEAN, đề xuất ký Hiệp ước Hợp tác láng giềng hữu nghị Trung Quốc-ASEAN…
 
Để đòi hỏi lợi ích lãnh thổ một cách hết sức phi lý, Trung Quốc đơn phương tiến hành nhiều hành động gây căng thẳng tại cả biển Hoa Đông và biển Đông. 
 
Trung Quốc đã ba lần cắt cáp khảo sát các tàu Bình Minh 02 (26/5/2011; 30/11/2012) và tàu Viking 02 (9/6/2011) trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam; chiếm bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham (4/2012); mời thầu quốc tế trái phép 9 lô dầu khí (6/2012) nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam; ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” (7/2012) tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông (12/2013) và tung tin mở ngỏ khả năng thiết lập vùng ADIZ tại cả biển Đông; công bố “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sửa đổi” tỉnh Hải Nam, có hiệu lực từ tháng 1/2014; đơn phương cấm đánh bắt cá từ giữa tháng 5 hằng năm tại biển Đông; hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng EEZ của Việt Nam từ ngày 2/5/2014. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn tàu, trong đó có nhiều tàu chiến, tàu quân sự và máy bay bảo vệ giàn khoan, chủ động đâm va, uy hiếp, đâm chìm tàu cá Việt Nam…
 
Nguyên nhân nào đã khiến cho Trung Quốc đang có cách “hành xử kép” như vừa qua. Đó là bởi Trung Quốc vốn vẫn luôn ôm ấp tham vọng, nóng lòng muốn rút ngắn quá trình trỗi dậy, đẩy cuộc cạnh tranh nước lớn theo hướng có lợi, và dùng sức mạnh cứng để ép buộc các nước khu vực phải chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò, các lợi ích chủ quyền lãnh thổ, lợi ích biển hết sức phi lý của Trung Quốc. 
 
Hiện nay, khi Mỹ còn loay hoay về chiến lược toàn cầu và nội bộ không thống nhất, EU phải vật lộn với khủng hoảng tài chính và bất ổn tại Ukraine, Trung Quốc càng quyết tâm lấn tới, từ chối các khuôn khổ trật tự chính trị, kinh tế, pháp luật biển vốn có, tìm cách can dự mạnh mẽ và tích cực hơn trong các vấn đề của khu vực, đặt các nước nhỏ vào thực tế mới và “sự đã rồi”.
 
Việc Trung Quốc tạo ra hình ảnh của người khởi xướng các sáng kiến về thúc đẩy xây dựng lòng tin, liên kết hợp tác chính trị và kinh tế chính là các nỗ lực nhằm tạo ra luật chơi mới. Hơn nữa, việc Trung Quốc đang gây áp lực với láng giềng trong tranh chấp chủ quyền hoặc ve vãn các nước khu vực bằng biện pháp kinh tế cũng chính là nhằm ép buộc hoặc mua chuộc các quốc gia phải tuân thủ theo luật chơi mới này.
 
Với các bước đi kể trên, Trung Quốc ít nhiều khẳng định được vai trò nước lớn mới nổi trong một số vấn đề an ninh, chính trị và kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, trong khi các sáng kiến về xây dựng lòng tin, liên kết hợp tác do Trung Quốc đưa ra còn nặng về ý tưởng, thiếu tính thuyết phục và hiện thực thì các hành động đơn phương đòi hỏi chủ quyền, đòi hỏi lợi ích biển hết sức phi lý, vô căn cứ của Trung Quốc đã làm cho môi trường an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, hành động cứng rắn, đe dọa phá vỡ nguyên trạng tại các vùng biển có tranh chấp đã làm cho các quốc gia, nhất là các nước lớn và láng giềng đang phải lo ngại, cảnh giác, đẩy mạnh tập hợp lực lượng để đối phó với nguy cơ Trung Quốc. 
 
Có thể nói, với hơn 30 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, kéo theo tốc độ chi tiêu quốc phòng ngày một tăng trong suốt 20 năm gần đây, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, quyết đoán hơn trong việc tìm cách thay đổi nguyên trạng, thiết lập các khuôn khổ trật tự mới nhằm trở thành bá chủ tại Đông Á, dần tiến tới cạnh tranh với Mỹ tại cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Mặt khác, dù ban lãnh đạo mới của Trung Quốc vẫn “khéo” ẩn giấu tham vọng dưới các tuyên bố “Trung Quốc quyết không xưng bá, không tranh bá”, “phát triển hòa bình”, và “hợp tác cùng thắng vì một tương lai châu Á kết nối tươi đẹp”, nhưng với cách hành xử hiện nay, thâm ý thực của Bắc Kinh cũng đang bộc lộ rõ. 
 
Cho dù Trung Quốc chưa đạt tới điểm cân bằng quyền lực với Mỹ, nhưng những hành động trên của Trung Quốc đã khiến Washington có hành động phản công, coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược, từ đó tiến hành xốc lại liên minh với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines nhằm đẩy nhanh quá trình “tái cân bằng tại châu Á”.
 
Việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ cho các đòi hỏi yêu sách chủ quyền tại biển Hoa Đông và biển Đông còn buộc Mỹ và các thành viên nhóm G7 lần đầu tiên đưa ra tuyên bố quan ngại sâu sắc về tình hình biển Hoa Đông, biển Đông (5/6/2014), phản đối hành động đơn phương, kêu gọi giải quyết theo luật pháp quốc tế, điều mà Trung Quốc vẫn né tránh. 
 
Hành động đơn phương phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc cũng đang buộc các nước láng giềng ASEAN phải liên kết chặt chẽ với nhau, khiến Malaysia, Indonesia và Singapore trở nên có lập trường nhất quán, có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề biển Đông, và làm cho Trung Quốc bị cô lập. 
 
Trong khi đó, ngoài tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới (28/4/2014) với Mỹ, Philippines còn chi ra 114 triệu USD để nâng cấp một căn cứ quân sự tại vịnh Ulugan, và Indonesia cũng tăng cường khả năng không quân tại khu vực quần đảo Natuna, những hành động nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc mở rộng lấn chiếm trong vùng nước của yêu sách đường 9 đoạn.
 
Ngoài ra, sau gần 20 năm kể từ năm 1995, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 24 (AMM) ngày 10/5/2014 tại Nay Pyi Taw lần đầu tiên đã đưa ra Tuyên bố riêng về tình hình biển Đông. Bằng tuyên bố này, ASEAN đã thể hiện rõ mối quan ngại sâu sắc, sự thống nhất cao về quan điểm trước mối đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực, nói lên tiếng nói đoàn kết, trách nhiệm của mình trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế. 
 
Điều này cũng có nghĩa, Trung Quốc đang tự hủy hoại môi trường phát triển hòa bình cần thiết cho việc có thể trỗi dậy, trở thành một “siêu cường” khu vực. Hình ảnh “hòa bình”, vai trò “dẫn dắt” như các kế hoạch hợp tác được Trung Quốc đề cập với khu vực đang trở thành thiếu sức thuyết phục. 
 
Hơn nữa, khi môi trường kinh tế, chính trị, xã hội bên trong Trung Quốc đang có chiều hướng xấu đi, chưa đưa ra được mô hình chuyển đổi kinh tế mới như tuyên bố tại Hội nghị Trung ương 3, khóa 18, hoạt động chống tham nhũng đã bước vào giai đoạn quyết liệt, đụng chạm thượng tầng, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2014 chỉ đạt 7,4%, bất ổn an ninh nội địa gia tăng với các vụ khủng bố bạo lực không chỉ xảy ra tại Tây Tạng, Tân Cương, mà còn cả tại Bắc Kinh, Vân Nam, Côn Minh. Trong bối cảnh bên trong và bên ngoài như vậy, tham vọng trỗi dậy nhanh càng đẩy Trung Quốc vào một hoàn cảnh khó khăn mới. 
 
Phải chăng, việc gây căng thẳng với các nước láng giềng, đe dọa phá vỡ nguyên trạng cục diện an ninh của khu vực không chỉ đi ngược lại với những lời nói về hữu nghị, hợp tác như Bắc Kinh quảng bá, mà nó còn đang đi ngược lại với chính lợi ích của Trung Quốc - những lợi ích chỉ có thể đạt được bằng con đường hòa bình, hữu nghị và hợp tác?
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo