Trường ngoài công lập: Lèo tèo hồ sơ đăng ký dự thi
(Dân trí) -Trường ĐH Thành Tây năm nay tiếp tục tổ chức thi tuyển, theo ông Nguyễn Đình Tư - phó Hiệu trưởng nhà trường, chỉ tiêu của nhà trường năm nay là 900 nhưng đến nay, trường mới nhận được hơn 330 bộ hồ sơ. Con số này tăng hơn một chút so với năm trước.
Ông Tư tiết lộ, năm trước trường có 1.000 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 100 chỉ tiêu hệ đại học. Do vậy, với tuyển sinh năm nay chúng tôi chỉ trông chờ vào xét tuyển NV2.
Tương tự, Trường ĐH Hà Hoa Tiên, năm nay tiếp tục tổ chức thi tuyển với 900 chỉ tiêu nhưng hiện nay trường mới nhận được 600 bộ hồ sơ ĐKDT, trong đó 300 bộ là thí sinh dự thi nhờ. Được biết, năm 2012, trường chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu trên tổng số 900 chỉ tiêu bộ giao.
Ông Trần Văn Hào - Trưởng Phòng Đào tạo cho biết, nhà trường xác định xét tuyển NV2 là chính. Để giúp các trường ngoài công lập (NCL) có thêm sinh viên, ông Hào đề nghị: “Các đối tượng dự thi liên thông không nên lấy điểm bằng thí sinh dự thi lần đầu nên có điểm sàn riêng cho đối tượng này vì đối tượng này đã được đào tạo 1 lần”.
Được biết, theo thống kê của Sở GD-ĐT Thái Bình, lượng thí sinh đăng ký vào trường NCL rất ít, cá biệt có những trường chỉ duy nhất có 1 bộ hồ sơ ĐKDT như ĐH Hoa Sen, ĐH Hà Hoa Tiên cũng chỉ có 3 hồ sơ, ĐH dân lập Hải Phòng 5 hồ sơ.
Khả quan hơn 2 trường trên, Trường ĐH Đại Nam, hiện nay nhận được hơn 700 bộ hồ sơ tương đương với năm trước. Cùng chung quan điểm với các trường đại học NCL khác, lãnh đạo trường ĐH Đại Nam khẳng định rằng: Không xác định tuyển được nguyện vọng 1 mà xác định tuyển nguyện vọng 2 là chính.
Trường ĐH Hòa Bình năm nay vẫn thực hiện phương án xét tuyển, GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, nhà trường cũng không biết là có bao nhiêu bộ hồ sơ vì chưa nhận được do các đơn vị gửi qua bưu điện nhưng với tình hình hiện nay tôi lo lắm vì ngoài việc thí sinh ngại vào dân lập học thì chính sách liên thông lại siết chặt, liệu có sinh viên vào trường học không?. Chúng tôi chỉ trông chờ vào xét tuyển NV2 chứ không mong chờ gì với nguyện vọng 1”.
Được biết, năm 2012, trường ĐH Hòa Bình chỉ tuyển được 700 sinh viên trong khi đó chỉ tiêu của trường là 950.
Đưa ra ý kiến để “cứu” nguy các trường NCL không bị rơi vào thảm cảnh thiếu sinh viên dẫn đến giải thể, GS Đặng Ứng Vận cho rằng, Bộ GD-ĐT phải làm cách nào để giải quyết phương án điểm sàn. Nếu cứ để phương án điểm sàn như năm trước thì các trường NCL lấy đâu ra nguồn để tuyển. Bộ cần phải có phương án điểm sàn dự phòng để giúp các trường NCL.
Phải có điểm sàn hợp lý!
Là trường dân lập có thương hiệu hơn các trường ngoài công lập khác, năm nào Trường ĐH DL Hải Phòng cũng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng với tình hình hiện nay, lãnh đạo nhà trường như "ngồi trên đống lửa".
GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường nhận được 1.400 bộ hồ sơ ĐKDT thấp hơn năm trước. “Đây là xu thế tất yếu. Không chỉ các trường dân lập mà ngay cả khối công lập nhiều trường cũng chỉ lấy điểm chuẩn vào trường bằng điểm sàn. Bởi vậy tội gì thí sinh lại đăng ký vào dân lập. Phụ huynh, học sinh đều có tâm lý ưu tiên ĐH công lập trước, nếu không đỗ thì mới tính tới nguyện vọng 2, 3 vào trường NCL” - GS Nghị cho hay.
Hầu hết các trường ĐH NCL đều trông chờ vào xét tuyển NV2, NV3. Theo GS Nghị, lợi thế nguyện vọng 1 thuộc về các trường công lập, nhưng với đợt xét tuyển các nguyện vọng sau thì thuộc về trường NCL khi chỉ tiêu trường công lập còn ít, điểm xét tuyển cao.
Tuy nhiên điều khiến các trường dân lập băn khoăn là phương án xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT liệu có thay đổi hay không vì mùa tuyển sinh trước hơn 94.000 thí sinh mất cơ hội học đại học vì điểm sàn quá cao.
GS Nghị phân tích: “Các trường NCL đã vào cuộc “chơi’ này thì phải chấp nhận khó khăn nhưng nếu điểm sàn hợp lý của Bộ đưa ra sẽ có học sinh vào trường NCL học. Năm 2012, bộ đưa ra điểm sàn không chính xác, không hợp lý nên cả trường công lập và trường NCL chỉ tuyển được 83% chỉ tiêu như vậy. Vẫn biết rằng, điểm sàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đề thi, trình độ học sinh của năm học đó nhưng Bộ cần có quy định số thí sinh đạt điểm sàn phải trên số chỉ tiêu vào các trường thì với có đủ nguồn tuyển. Điểm sàn mỗi năm phải khác chứ không thể năm nào cũng giống nhau”.
Trường ĐHDL Phương Đông, lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay ổn định so với năm trước, với khoảng 1.000 hồ sơ. Ý kiến về điểm sàn năm nay, ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc xác định điểm sàn là tất yếu khi vẫn áp dụng “3 chung”. Tuy nhiên, điểm sàn chỉ có tính chất tương đối để lựa chọn những thí sinh xứng đáng hơn khi điều kiện các trường ĐH, CĐ không đáp ứng hết chứ không mang tính chất đánh giá.
Theo ông Dụ, bộ nhiều năm nay cứ luẩn quẩn giữ mức điểm sàn ở 12 hay 13 điểm vì sợ thấp hơn sẽ bị phản ứng. Nhưng nếu hiểu rõ ra thì điểm sàn phụ thuộc nhiều vào độ khó dễ của đề thi và cách chấm điểm. Bởi vậy không nên coi đây là giá trị tuyệt đối. Điều Bộ cần làm là tính kỹ thuật trong khâu xác định điểm sàn đủ để các trường tuyển đủ chỉ tiêu được giao chứ không phải là cao hay thấp.
Minh Đức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Profile khủng của sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên làm Chánh Văn phòng cố vấn Cảnh sát LHQ ở New York
Khám phá loài động vật có khả năng đi lộn ngược 180 độ trên cây, hạ gục con mồi bằng chiêu tuyệt đỉnh
Gấu nước là gì mà gần như không thể tiêu diệt kể cả đốt cháy, đóng băng ở nhiệt độ âm 200 độ
Nổi tiếng đa nghi, tại sao Tào Tháo lại đặt trọn niềm tin vào Hạ Hầu Đôn?
Sắn có chứa chất độc nhưng người dân châu Phi vẫn trồng với số lượng rất lớn, không sợ ngộ độc vì ăn sắn hàng ngày sao?
CLIP: 'Đơn thương độc mã', linh cẩu 'tung chiêu độc' hạ gục linh dương trong vòng '1 nốt nhạc'