Trường quốc tế: Vàng thau lẫn lộn
Bài 1: Đua nhau gắn mác “quốc tế”
Chất lượng giáo dục được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau như: Chương trình giảng dạy, loại hình bằng cấp, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và học phí... Khi “căng” những tiêu chí này ra, áp lên mô hình trường lớp cụ thể, ta sẽ có một cái nhìn sát thực về trường quốc tế hay chỉ là “quốc tế nửa vời”, “quốc tế” trên danh nghĩa...
Đa dạng loại hình trường quốc tế
Thầy Cao Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc - phân tích: Cần phân biệt rạch ròi các loại hình trường quốc tế hiện nay. Vị hiệu trưởng này chỉ rõ: Không kể những trường chuẩn quốc tế chỉ nằm trên danh nghĩa, người thành lập trường chỉ muốn “kiếm chác” thật nhiều từ cái mác quốc tế.
Nếu chỉ tính riêng hệ thống những trường quốc tế, chuẩn quốc tế hoặc mang yếu tố quốc tế thì trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cũng có khoảng xấp xỉ 30 trường. Và trong số này cũng chỉ có duy nhất một trường cung cấp dịch vụ giáo dục theo chuẩn chung của quốc tế mà khi hoàn tất chương trình học tại đây, học sinh sẽ sở hữu bằng IB (bằng tú tài quốc tế) – một loại bằng cấp được công nhận và đánh giá cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Với đặc thù này thì chương trình học tại trường này cũng khác hơn so với những trường cùng nhóm còn lại (học sinh chủ yếu học bằng tiếng Anh, theo chương trình chuẩn IB. Còn tiếng Việt, nói một cách nôm na, được xếp vào nhóm “ngoại ngữ”).
Nhóm thứ hai, như Trường THPT Quốc tế Việt Úc là sản phẩm liên kết với Bộ Giáo dục Tây Úc và trực thuộc sở Giáo dục - Đào tạo. Khi tốt nghiệp, học sinh cùng lúc sở hữu hai bằng cấp: 1 theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và 1 do Bộ Giáo dục Tây Úc cấp (bằng cấp này cũng là bằng cấp quốc tế nhưng được công nhận ở một diện hẹp hơn, với số lượng trường nhất định).
Và đây chính là hình thức dạy và học của nhóm trường quốc tế do các cơ quan , đơn vị nhà nước liên kết với tổ chức giáo dục nước ngoài.
Một loại hình trường quốc tế nữa là do các tổ chức hoặc cá nhân người Việt Nam liên doanh với các tổ chức giáo dục nước ngoài, đây là hình thức trường quốc tế chiếm đa số hiện nay… Yếu tố “quốc tế” của họ nằm ở đơn vị đối tác của trường.
Đó là chưa kể đến những trường cũng mang danh trường quốc tế nhưng thực chất chỉ là trường dân lập, mác “quốc tế” chủ yếu nhằm đánh vào tâm lý “vọng ngoại” của một bộ phận phụ huynh. Còn chương trình học duy nhất nằm ở việc tăng cường tiếng Anh…
Với thực tế rất đa dạng của loại hình trường mang danh nghĩa “quốc tế” như hiện nay, rất cần sự vào cuộc quản lý sát sao và hiệu quả của cơ quan chức năng để người dân không chịu thiệt – vị hiệu trưởng này kết luận.
Khi đề cập đến vấn đề này, Tiến sỹ Vũ Thế Dũng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh - khái quát: Để xếp loại một trường vào nhóm trường quốc tế thì cần chú ý đến sản phẩm đầu ra thể hiện ở sinh viên tốt nghiệp phải đạt đẳng cấp quốc tế.
Sinh viên phải được công nhận về chất lượng thông qua thực tế làm việc trong môi trường quốc tế và trong cộng đồng học thuật quốc tế (tính tương thích và liên thông bằng cấp để được tham gia đào tạo các khóa học cao hơn ở nước ngoài).
Bên cạnh đó, chuẩn đội ngũ giáo viên cũng phải đạt (bằng cấp quốc tế, kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa văn hóa…). Và điểm quan trọng nhất đó là một trường mang danh trường quốc tế đúng nghĩa thì phải được cộng đồng quốc tế công nhận. Cộng đồng quốc tế ở đây bao gồm cộng đồng học thuật và cộng đồng sử dụng lao động – Tiến sỹ Dũng khẳng định.
Chỉ dành cho nhà giàu
Dù khá đa dạng về loại hình trường quốc tế. Song có một điểm chung “bất di bất dịch” của loại hình trường có gắn hai chữ “quốc tế” đó là học phí từ cao đến rất cao. Khi nói về yếu tố này, thầy Cao Huy Thảo cho rằng: Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ được học bổng, song với sàn học phí như hiện nay, các trường quốc tế hầu như được xem là “lãnh địa riêng” cho nhà giàu.
Nhận định này một lần nữa được “củng cố” ở ghi nhận thực tế của PV: Một trường quốc tế ở Quận 2, chưa kể tiền đồng phục, mức học phí trung bình tại đây vào khoảng 10.000USD/năm cho các cấp học từ tiểu học cho đến hết lớp 8. Từ lớp 9 đến lớp 12 là 13.000USD/năm.
Hay tại một trường quốc tế dân lập được người trong giới đánh giá là khá “nổi đình nổi đám” hiện nay với chuỗi hệ thống cung cấp dịch vụ giáo dục từ mầm non đến hết THPT gần chục cơ sở trải rộng ở địa bàn TP.Hồ Chí Minh, mức học phí ở cấp tiểu học cũng xấp xỉ 100 triệu đồng trong niên học mới 2012 - 2013 sắp tới.
Còn theo thông tin từ một phụ huynh có con học tại trường quốc tế Quận Tân Bình thì: “Học phí ở các trường quốc tế Việt Nam còn cao hơn cả ở Mỹ. Đơn cử, phí ghi danh là 1000USD mỗi năm, phí này không hoàn trả. Trong khi đó tại Mỹ, đối với học sinh mới là 500USD và 100USD với học sinh ghi danh lại. Học phí ở nước ngoài đối với các lớp từ 9 đến 12 vào khoảng 9.000 – 11.000USD nhưng ở ta phải cao hơn một vài ngàn. Không chỉ thế, sách vở, tài liệu, chi phí xe đưa rước ở ta cũng cao ngất ngưởng”.
Còn theo anh C.N.Thắng – ngụ Quận Thủ Đức thì anh vùa rút tên con ra khỏi trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương vì học phí liên tục tăng cao. Năm ngoái, học sinh tiểu học khoảng 6 triệu đồng/tháng, năm nay tăng lên 9 triệu đồng/tháng. Chịu hết nổi mức học phí “khủng”, gia đình chọn giải pháp cho con chuyển trường.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nằm mơ thấy kho báu dưới nhà, người đàn ông quyết đào lên không ngờ tìm thấy sông cá ngầm quý hiếm
Tại sao rắn lại sợ lươn? Hé lộ khả năng đặc biệt của lươn
Vớ được khối bầy nhầy bẩn thỉu, người đàn ông không ngờ đây là báu vật 35 tỷ giúp mình đổi đời sau một đêm
Để giải quyết những vấn đề 'sinh lý', người xưa đã phát minh ra một căn phòng như vậy, địa vị phụ nữ thấp đến đáng thương
Long bào của Tần Thủy Hoàng là màu đen, vì sao sau này không có hoàng đế nào dám mặc? Lý do rất thực tế
CLIP: Chó nhà hăng máu khiêu chiến rắn hổ mang và cái kết gây 'sốc'