Tin tức - Sự kiện

TS Lê Hồng Sơn: Văn bản sai, Bộ CA cũng bị xử lý như bộ khác

"Theo tôi Dự thảo hay Nghị định của Bộ CA cũng vậy thôi, cũng như các bộ ngành khác, việc xem xét xử lý trách nhiệm cũng phải rõ ràng, công khai, minh bạch"- TS Lê Hồng Sơn cho biết.

Phải xử lý  đơn vị ra văn bản "trên trời"
 
PV: Bộ Công an vừa phát đi bản dự thảo mới nhất Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, có nhiều quy định khiến người dân không biết phải hiểu ra sao: cấm đọc báo, xem tivi, cấm các thành viên của gia đình ra khỏi nhà, xử phạt nếu chì chiết lẫn nhau...  Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của những dự thảo Nghị định trên?
 

TS Lê Hồng Sơn: Dự thảo Nghị định này nằm trong số 57 dự thảo Nghị định Chính phủ đang chuẩn bị để quy định về những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Khi xem qua bản dự thảo tôi thấy, chủ yếu nằm ở lỗi mô tả hành vi, nhất là việc xác định hành vi nào được xem là hành vi vi phạm để có biện pháp xử phạt. Ví dụ, chì chiết; gây thương tích; không cho ăn; không cho mặc; đuổi ra khỏi nhà ban đêm, mưa bão…

 Thêm nữa, việc mô tả hành vi mới dừng ở mức "định tính", chưa bảo đảm tính "định lượng" trong đó. Ví dụ, nhóm hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe của người thân trong gia đình mới chỉ dừng ở mô tả hành vi chung chung, thiếu "định lượng"...
 
Cách mô tả hành vi như vậy sẽ rất khó trong việc áp dụng trong thực tế, bởi vì, một loại hành vi nhưng "định lượng" khác nhau sẽ có phương thức, mức xử lý khác nhau.
 
Điều đáng quan ngại hơn là cách mô tả chung chung ở mức "định tính" sẽ dễ tùy tiện, tiêu cực trong việc xác định biện pháp phạt, mức phạt. Thậm chí, xử phạt hành chính hóa các hành vi cần phải xử lý hình sự hoặc ngược lại hình sự hóa đối với hành vi chỉ ở mức xử phạt vi phạm hành chính.
 
Ví dụ: Gây thương tích thì thương tích là bao nhiêu, 11% thì có thể xử lý hình sự, vậy bao nhiêu là xử lý hành chính? Hay đuổi ra khỏi nhà vào ban đêm, mưa bão. Nếu trong trường hợp mưa bão gây nguy hiểm đến tính mạng con người thì có thể phải cưỡng chế, ép buộc ra khỏi nơi ở để bảo toàn tính mạng thì sao? Có thể xử phạt được không?.
 
Tôi cho rằng, nếu mô tả hành vi chỉ đưa ra những dấu hiệu định tính thiếu định lượng thì không thể áp dụng được trong thực tế bởi vì dễ gây ra tranh chấp, khiếu kiện, áp dụng tùy tiện, không loại trừ khả năng tiêu cực.

TS Lê Hồng Sơn

PV: VBQPPL ban hành không khả thi, không thực tế gây lãng phí, thất thoát tiền của  nhà nước, làm mất lòng tin của người dân sẽ gây hậu quả thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
 
TS Lê Hồng Sơn: Đương nhiên, văn bản sai gây hậu quả, lãng phí, mất lòng tin là một điều rất đáng tiếc. Việc này cũng phải áp vào cơ chế chung. Vấn đề đáng nói là đã đến lúc không thể và dư luận cũng không thể chấp nhận cho việc  chỉ rút kinh nghiệm chung chung, “oan có đầu nợ có chủ”.
 
Vừa rồi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xem xét trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông, tiêu cực trong xây dựng, công trình xây dựng, công trình giao thông, bảo kê phương tiện vận tải… Tôi cho rằng, đây là những chỉ đạo rất phù hợp và nên được nhân rộng.
 
Lưu ý, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chuẩn bị một văn bản để quy định thật rõ, hình thức, mức xử lý đối với cơ quan, tổ chức có lỗi trong việc này, đáng tiếc hiện nay vấn đề này vẫn đang bị treo.
 
Tôi cho rằng, việc tham mưu ban hành văn bản không đạt chuẩn ở các mức khác nhau có thể có các biện pháp xử lý thích hợp khác nhau như, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công vụ.
 
Có thể là cắt thi đua khen thưởng, hoặc cân nhắc khi cho hưởng chế độ chính sách. Nếu lỗi cố ý có động cơ vụ lợi gây hậu quả cho xã hội thì cũng phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo quy định của Luật công chức. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng cũng cần phải xem xét việc bồi thường và xem xét trách nhiệm hình sự với những tội như cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn…, cũng không thể loại trừ đây là một tình tiết phải xem xét trách nhiệm hình sự trong các tội tham nhũng.
 
PV: Cụ thể với những dự thảo, Nghị định của Bộ Công an như đã nêu thì thế nào? Có thể quy trách nhiệm được không? Việc quy định trách nhiệm được thực hiện như thế nào, thưa ông? Cần phải nói thêm rằng, cách đây khoảng 1 tháng, chính Bộ Công an đã đưa ra một dự thảo Nghị định bị dư luận phản ứng đã phải rút xuống?

 
TS Lê Hồng Sơn: Theo tôi Dự thảo hay Nghị định của Bộ CA cũng vậy thôi, cũng như các bộ ngành khác, việc xem xét xử lý trách nhiệm cũng phải rõ ràng, công khai, minh bạch.
 
Văn bản "trên trời" soạn bởi công chức cắp ô?
 
PV: Việc xuất hiện hàng loạt những nghị định, văn bản thiếu thực tế trong thời gian gần đây đang thể hiện điều gì trong việc ban hành văn bản luật ở Việt Nam. Ông có thể lý giải tình trạng này thế nào, thưa ông?
 
TS Lê Hồng Sơn: VBQPPL ban hành sai, thu hồi, sửa, hủy bỏ xuất hiện với mật độ, số lượng tương đối nhiều, điều này một phần do chất lượng văn bản chưa bảo đảm.
 
Ví dụ như thi hành án tử hình. Luật bỏ hình thức xử bắn nhưng việc chuẩn bị cho thi hành án bằng tiêm thuốc độc chưa được kỹ lưỡng dẫn đến tình trạng tồn đọng án tử hình gây bức xúc trong dư luận. Một số Luật treo không có tính khả thi trong thực tiễn hoặc quy định về chứng minh nhân dân có tên cha, mẹ; Quy định về tổ chức tang lễ đối với công chức, viên chức; Quy định về tiêu chuẩn điều khiển phương tiện giao thông "ngực lép, chân ngắn"; Quy định về chuẩn mũ bảo hiểm; Quy định xe chính chủ...
 
Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội đang được chuẩn bị hiện nay cũng bộc lộ một số lỗi cần phải được khắc phục trước khi ban hành như dự liệu quá nhiều hành vi lấn sang sân của cơ cấu điều chỉnh của xã hội; Mô tả hành vi mới chỉ ở mức định tính chưa chú ý đến nội dung định lượng, đến "tính phải chịu phạt vi phạm hành chính"; Thiếu quan tâm đến những mức phạt rất quan trọng như "cảnh cáo". Đụng vào là phạt tiền.
 
Lý giải hiện tượng này có hai vấn đề: Thứ nhất là khâu tổ chức soạn thảo và ban hành văn bản và thứ hai là trình độ, nhận thức của người soạn thảo văn bản. Một yếu tố không thể bỏ qua đó là mối quan hệ xã hội ngày càng phát triển.
 
Ở đây, có lỗi "hệ thống" từ khâu đào tạo nhân lực cho đến khâu tổ chức công tác soạn thảo. Thực tế ta chưa có cơ chế để chọn và sử dụng được những người có thực tài, có tư chất, có trình độ vào việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
 
Nhiều trường hợp khi phát hiện "lỗi' của văn bản, tìm hiểu kỹ thì chỉ do một nhóm nhỏ công chức "biện bác" ra rồi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua.
 
Có một vấn đề chi phối rất lớn đến chất lượng của văn bản, đó là vấn đề lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, lợi ích nhóm. Người ta rất biết chuẩn chung nhưng nhiều khi do lợi ích riêng mà đã "bẻ ghi" nội dung của văn bản, "xuyên tạc" các quy định của cấp trên với mục tiêu là phục vụ cho lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, lợi ích nhóm mà tôi vừa nêu.
 
PV: Có nhận xét rằng, sau khi Phó Thủ tướng lên tiếng về tình trạng 30% công chức cắp ô, hàng loạt các công chức nhà nước lần lượt đưa ra những văn bản luật thiếu thực tế, không khả thi, tạo việc làm cho hàng loạt công chức khác?
 
TS Lê Hồng Sơn: Theo tôi, đánh giá đó của lãnh đạo Chính phủ là có cơ sở. Vấn đề này tôi đã nói cách đây hơn 10 năm khi còn tham gia xây dựng cơ chế chính sách về cán bộ công chức (CBCC). Về đại thể, đối với CBCC có thể chia làm 3 nhóm, nhóm khoảng 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về nhiều người nói rồi tôi không nói thêm. Vấn đề là cần phải có cơ chế như thế nào để vực họ dậy, nâng họ lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Nếu bất khả kháng, không thể vực dậy được phải có cơ chế đưa họ ra khỏi đội ngũ CBCC.
 
Nhóm thứ 2 nhiều hơn có thể 30-40% là nhóm có thể nhận xét là hoàn thành nhiệm vụ nhưng thực chất có việc được việc hỏng chưa thực sự đóng vai trò đầu tàu. Nhóm này, cũng cần phải có biện pháp để nâng cao trình độ, quan trọng hơn là nâng cao trách nhiệm trong thi hành công vụ. Từ đó, nâng chất của cả hệ thống, công chức thi hành công vụ.
 
Nhóm thứ 3, số này theo tôi có thể 30% hoặc ít hơn là nhóm có đủ trình độ, trách nhiệm bản lĩnh xứng đáng là đầu tàu cho cả hệ thống công chức. Đáng tiếc gần đây số này không được nâng tỉ lệ trong tổng thể. Đây là vốn quý và cần phải có cơ chế sử dụng, đãi ngộ xứng đáng, tuy nhiên cơ chế của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo