Tương lai thế giới phụ thuộc vào hành động và thiện chí
Có một thực tế đáng báo động là gần 750 triệu người, khoảng hơn 1/10 dân số thế giới, vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Nhiều nơi trên thế giới chứng kiến sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông, trong đó có sông Mekong, Danube.
Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm (chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu) tại các thành phố lớn như Bangkok, Vientiane, hay TPHCM trở nên trầm trọng hơn.
Cùng với tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đại biểu dự Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước. Ảnh: VGP/Hải Minh. |
Những năm vừa qua còn chứng kiến những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu.
Có thể kể đến những trận lụt lịch sử ở Thái Lan năm 2011 và 2012, châu Âu năm 2013, hạn hán tại Trung Quốc năm 2014 và đợt nóng kỷ lục đang diễn ra tại Ấn Độ. Ngay tại tỉnh Bến Tre, nước mặn cũng đã xâm nhập sâu vào các con sông lớn, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân.
Trước thực trạng trên, Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, diễn ra từ ngày 4-6/6 tại tỉnh Bến Tre, thể hiện quyết tâm của ASEM trong quản lý bền vững tài nguyên nước – một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình này.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ chỉ còn113 ngày nữa đến Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững,179 ngày tới Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21).
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh VGP/ Hải Minh |
Phó Thủ tướng cho rằng, đây là lúc các thành viên ASEM cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và đạt được thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại hai Hội nghị quốc tế hết sức quan trọng này.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết trong việc thống nhất nhận thức và hành động để bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.
Theo Phó Thủ tướng việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững, hiệu quả nếu được lồng ghép vào chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia.
Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước, sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động.
Các thành viên ASEM cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm như tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục; thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, hay nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumania.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước.
Trước hết, cần phát huy vai trò của “Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM” tại Hồ Nam, Trung Quốc để trao đổi, phối hợp nghiên cứu và đề xuất các biện pháp hợp tác cụ thể.
ASEM có tiếp tục phát huy được vai trò là Diễn đàn tăng cường đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau hay không phụ thuộc rất nhiều vào “tầm nhìn và hành động” của các thành viên trong việc xử lý vấn đề quản lý bền vững tài nguyên nước, một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững.
Hội thảo lần sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 sắp tới ở Luxembourg và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulanbaataar, Mông Cổ vào năm sau. Đây cũng là đóng góp quan trọng của ASEM cho các Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững tại New York và Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris.
End of content
Không có tin nào tiếp theo