Khám phá

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012: Tự chủ nửa vời

Hôm nay (14/2), hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng họp để quyết định những sửa đổi trong kỳ tuyển sinh năm 2012.

Trước khi những nội dung sửa đổi được chốt, bên cạnh các ý kiến bày tỏ đồng tình trước một số dự kiến thay đổi thì cũng có nhiều ý kiến lo ngại và cho rằng khó thực hiện, đặc biệt đối với dự kiến giao quyền tự chủ một phần trong công tác tuyển sinh.    

 

Có lợi hơn với trường dân lập?



Về việc mở rộng quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường, bộ dự kiến việc xét tuyển vẫn phải dựa trên kết quả của kỳ thi “ba chung” của bộ và điểm sàn mà bộ đưa ra. Nhưng các trường được tự quyết định thời gian tuyển cũng như số lần xét tuyển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “gỡ bỏ” các quy định về NV2, NV3.



Nhìn nhận về việc này, ông Nguyễn Quốc Hợp - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học dân lập Văn Hiến - cho rằng: “Đây chính là hướng đi tích cực của bộ theo xu hướng nhìn nhận giáo dục cũng là một hoạt động dịch vụ theo nguyên tắc cung cầu của xã hội. Điều này giúp cơ sở chủ động gọi thí sinh trúng tuyển cho đến khi đạt được số chỉ tiêu được phép tuyển. Mặt khác, cũng có thể coi quy định này là “chất xúc tác” giúp các trường, đặc biệt là khối trường ngoài công lập, phấn đấu cải thiện để tạo được tên tuổi, uy tín hơn trong xã hội để có thể tồn tại lâu dài.

 

Tuy nhiên, với dự kiến tưởng như rất tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập khó tuyển sinh như thế này cũng vấp phải sự không tán đồng từ một số trường dân lập. Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng - e ngại, nếu xét tuyển nhiều lần, kéo dài xét tuyển không mang lại lợi ích chung cho các trường, vì khó bắt đầu năm học, có chăng chỉ để thí sinh chạy từ vùng này sang vùng khác. Theo ông Nghị, vấn đề là tổ chức thế nào để trong một khoảng thời gian đạt được mốc sinh viên mà các trường cần, tốt hơn là kéo dài nhiều đợt.



Công lập không mặn mà



Ở góc độ người quản lý một trường công lập, Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Hùng - Trường ĐH Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh - đưa ra quan điểm không đánh giá cao chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường và để các trường được quyền kéo dài thời gian xét tuyển.



Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng ngày 14/2 sẽ bàn về các dự kiến sửa đổi phương án tuyển sinh năm 2012 như: Dự kiến bổ sung khối thi A1 (các môn toán, vật lý, ngoại ngữ); dự kiến bỏ việc tuyển sinh theo ba nguyện vọng như trước, thay bằng việc các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển nhiều đợt đến khi đủ chỉ tiêu; kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết năm...



Ông Hùng cho rằng quyết định này là một trong những đổi mới “cởi mở” hơn trong công tác quản lý ở tầm vĩ mô. “Song, điều này chỉ có lợi cho trường dân lập, còn với các trường công lập, nếu thực hiện chủ trương này sẽ phá vỡ kế hoạch đào tạo của trường nên “tác dụng tốt” (nếu có) cũng sẽ không được nhiều trường áp dụng, vì nó sẽ khiến việc đào tạo của trường trở nên rối rắm và nhiêu khê hơn mà thôi” – ông Hùng kết luận.   



Ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng cùng quan điểm khi cho rằng đây có lẽ cũng là hướng thay đổi trong tự chủ tuyển sinh của các trường, nhưng chỉ là những vấn đề nhỏ. “Nếu nói tự chủ cho các trường phải là tự chủ trong tài chính, tự chủ về tổ chức, về đào tạo, về tuyển sinh.



Đối với tự chủ tuyển sinh, theo tôi cần có đề án tổng thể chứ không chắp vá. Phải có khung để các trường thực hiện, bộ giám sát, kiểm tra và có chế tài cụ thể. Nếu tự chủ mà không có chế tài quản lý thì chưa chắc đã hay, vì tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm, giám sát, chế tài. Tôi không ủng hộ tự chủ theo cách các trường thích làm gì thì làm”.



Nhận xét về chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường, ông Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính - cho rằng: “Phải giao cho các trường có đủ điều kiện năng lực thực hiện để Bộ Giáo dục Đào tạo kiểm soát, chứ không thể giao tổng thể cho các trường được. Bởi vì có một số trường giao cho không thực hiện được mà làm lung tung thì cũng dở và việc xét tuyển của thí sinh từ trường này sang trường kia cũng sẽ gặp khó khăn”.

 

Theo LĐ

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo