Khám phá

Tuyển sinh đầu cấp: “Còng lưng” vì quá tải

Ngày 1/7, lại đến kỳ tuyển sinh đầu cấp. Chưa vơi nỗi khổ vì phải xếp hàng thâu đêm mua hồ sơ xin học cho con, nhiều phụ huynh lại lo tình trạng quá tải của nhiều trường mầm non, tiểu học…

80 trẻ/lớp
 

Theo Điều lệ trường Mầm non của Bộ Giáo dục & Đào tạo, mỗi lớp không quá 35 cháu và có 2 cô giáo. Cứ thêm 10 cháu phải thêm 1 cô giáo. Diện tích dành cho mỗi học sinh tối thiểu 1,5m2. Song trên thực tế, nhiều trường mầm non đang "phình" gấp đôi, thậm chí gấp 3 tiêu chuẩn.
 

Chị Nguyễn Thị H., có con học tại lớp 3 tuổi ở trường Mầm non Sơn ca (Trung Hoà, Cầu Giấy) cho biết, năm học vừa qua, lớp con chị có tới 80 cháu. Mặc dù đã được tăng cường thêm 2 cô giáo, nhưng 4 cô/80 cháu không thể đủ điều kiện chăm sóc học sinh chu đáo.
 
 
"80 cháu vẫn không thể vui chơi thoải mái trong một căn phòng vốn chỉ dành cho 35 cháu được" - chị H. giãi bày. 
 

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh trường Tiểu học Kim Liên, sĩ số các lớp ở đây xấp xỉ 60 cháu. Trường Mầm non Hoạ My, Tuổi Thơ (quận Ba Đình) luôn quá tải vì sĩ số trung bình 50 trẻ/lớp.
 
 
Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Cầu Giấy Bùi Thị Vân Anh thừa nhận, sĩ số trung bình của các trường công lập trên địa bàn quận lên tới 60cháu/lớp. Số trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu tăng nhanh trong khi trường lớp không thể thay đổi kịp, khiến tình trạng quá tải luôn thường trực và khó giải quyết.
 

Trong khi đó, những trường đạt chuẩn quốc gia lại chật vật để giữ chuẩn, vì nhiều phụ huynh "nhắm" đến. Lãnh đạo một trường mầm non đạt chuẩn tại quận Tây Hồ chia sẻ: "Năm nào trường cũng nhận được hàng nghìn hồ sơ xin học, nhưng hiện nay, để duy trì sĩ số đã được coi là quá tải (gần 50 cháu/lớp) cũng khó khăn rồi!".
 

“Cố đấm ăn xôi”?
 

 Dù biết vào học trường công, nhất là trường chuẩn, phải chấp nhận quá tải, nhưng nhiều phụ huynh vẫn… "cố đấm ăn xôi". Chưa có hộ khẩu Hà Nội, chị Trịnh Thị Kiều O. (Xuân Đỉnh, Hà Nội) tìm mọi cách chuyển hộ khẩu về nhà người thân để con trai đủ điều kiện vào trường công.
 
 
Để nhập hộ khẩu được nhanh, chị O. phải đi "cửa sau" mất gần chục triệu đồng mới xong thủ tục. Sau đó, 2 mẹ con phải chuyển đến ở nhờ nhà anh chị họ 2 tháng để công an phường đến kiểm tra nhân khẩu. Chị O. thừa nhận: "Quá mệt mỏi, nhưng bù lại, xin được cho con vào trường mầm non công lập, học phí sẽ đỡ hơn trường tư". 
 

Vào thời điểm này, rất nhiều phụ huynh có con thuộc diện trái tuyến, hoặc không đủ điều kiện hộ khẩu đôn đáo tìm cách "chạy trường" cho con. Để xin được cho con vào trường điểm ở quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm… nhiều phụ huynh cho biết phải mất một khoản tiền kha khá.
 
 
Con trai 3 tuổi của chị Nguyễn Hoàng L. (Hải Bối, Đông Anh, làm việc tại nội thành) mặc dù đủ tiêu chuẩn vào học trường mầm non Hải Bối, nhưng vì muốn con học ở trường điểm trong nội thành, chị phải chi vài chục triệu để được nhận hồ sơ trái tuyến.  
 
 
Thừa nhận rằng các trường mầm non trong nội thành hầu hết đều quá tải, nhất là trường điểm, nhưng chị L. vẫn quan niệm đông nhưng là "điểm", vẫn hơn trường ngoại thành. 
 

Với quan niệm ấy mà trước thềm kỳ tuyển sinh đầu cấp này, đang tồn tại tình trạng phụ huynh có con thuộc diện trái tuyến lo "chạy" để được vào học, còn những gia đình thuộc diện đúng tuyến lại "phát sốt" vì lo vận may khi "bốc thăm" không thuộc về con mình (vì số lượng hồ sơ xin học một số trường quá tải, nên các trường phải chọn hình thức bốc thăm).
 

Về tình trạng này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội khuyến cáo: Phụ huynh cần hết sức cảnh giác trước những kẻ tổ chức "cò mồi" trong việc xin học, vì "không có giáo viên nào lại đánh đổi danh dự và uy tín của mình để kiếm tiền như vậy".
 
 
Tuy nhiên, khi tình trạng quá tải trường lớp chưa được tháo gỡ, chuyện quá tải, "chạy trường, chạy lớp" vẫn là bài toán chưa có lời giải của ngành giáo dục./.

 
 
 
Theo KTĐT
 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo