Tỷ giá 2013 chưa hết dè chừng
Thậm chí thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường mua vào ngoại tệ để giữ cho tỷ giá USD/VND khỏi giảm sâu. Kỳ vọng thể hiện qua tỷ giá NDF trên thị trường quốc tế cũng đã giảm khá mạnh.
Và lần đầu tiên trừ giai đoạn mở cửa gia nhập WTO cuối 2007, phía sau hoạt động mua vào liên tục với giá trị tương đối, năm 2012 Việt Nam mới có được quy mô dự trữ ngoại hối tiếp cận tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đáp ứng được khoảng 12 tuần nhập khẩu của nền kinh tế.
Một năm êm đềm
Nhìn lại, cho đến thời điểm này, lần thứ hai liên tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giữ vững được cam kết về điều hành tỷ giá USD/VND; biên độ biến động trong khoảng 2 - 3% năm, như ông đã tuyên bố, đến nay vẫn nguyên vẹn.
Giữ ổn định tỷ giá cũng là thành công nổi bật của Ngân hàng Nhà nước, nhất là sau những năm sóng gió liền trước. Vậy đâu là những nguyên nhân cho thành công, và yếu tố “may mắn” từ kinh tế suy giảm được nhìn nhận như thế nào?
Trước hết, cần nhìn lại điểm xuất phát của quãng bình yên tỷ giá USD/VND từ quý 2/2011. Điểm được cho là quyết định khi Ngân hàng Nhà nước tạo “cú nổ” ngày 11/2/2011, hút mạnh không khí căng thẳng kỳ vọng tăng tỷ giá vào bước tăng 9,3%, đồng thời biên độ tỷ giá được thu hẹp từ +/-3% về +/-1%.
Thu hẹp hẳn biên độ đồng nghĩa với việc lấy lại quyền giám sát và điều hành cho Ngân hàng Nhà nước trên danh nghĩa. Một biên độ rất rộng trước đó, có giai đoạn lên tới +/-5%, đã trao quá nhiều quyền lực cho thị trường, cũng như tạo một vùng quá rộng để tỷ giá có thể biến động mạnh. Đây là dấu ấn đầu tiên trong điều hành, nối tiếp là việc siết lại kỷ cương thị trường, thậm chí đẩy mạnh kết hối để giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ… Thị trường ngoại hối bắt đầu ổn định.
Cuối năm 2011 và suốt 2012, một yếu tố không kém quan trọng là Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “neo giữ” được tâm lý - kỳ vọng thị trường, khi tuyên bố sẽ kiểm soát được một biên độ biến động hợp lý.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách định giá VND cao, giữ chênh lệch lãi suất VND với USD ở mức hấp dẫn, trong khi áp lực lạm phát suy giảm. Điều này góp phần quan trọng làm giảm cầu găm giữ ngoại tệ. Bằng chứng là xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang VND liên tục được duy trì. Thêm nữa, một lượng lớn các dòng ngoại tệ từ nước ngoài đổ về (vốn đầu tư gián tiếp, kiều hối, tiền gửi và vay mượn từ nước ngoài ...) được chuyển ra VND gửi vào ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất (hoạt động carry trade), góp phần làm tăng cung ngoại tệ, kéo tỷ giá đi xuống.
Thứ ba, cũng cần phải kể đến các biện pháp hành chính mạnh trấn áp thị trường ngoại tệ tự do, đặc biệt là việc tách được sự lôi kéo của thị trường vàng qua chính sách mới về quản lý kinh doanh vàng. Hoạt động nhập khẩu, nhập lậu vàng đã được cắt bỏ, giúp ngăn chặn được nạn đầu cơ ngoại tệ gây cầu ảo - một nguyên nhân nổi bật trước đây.
Và thứ tư, như một số ý kiến cho rằng có yếu tố “may mắn” trong điều hành tỷ giá - thậm chí nguyên nhân chính yếu, là cầu ngoại tệ giảm mạnh do kinh tế khó khăn. Cầu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thậm chí cả hàng tiêu dùng giảm mạnh do tổng cầu suy yếu, sản xuất kinh doanh đình đốn trong năm 2012.
Thực tế trên giúp cán cân thương mại của Việt Nam thăng bằng, góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư và dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh trở lại.
Tiềm ẩn rủi ro và áp lực ngoại hối
Tham vấn ý kiến chuyên gia về sự ổn định của tỷ giá năm 2012, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, cũng đồng tình khi phân tích các nguyên nhân chính nói trên.
Theo ông, triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 tiếp tục khó khăn với điểm thắt lớn nhất là thị trường bất động sản. Các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô cạn kiệt dư địa và/hoặc ít khả thi, kém hiệu lực. Mọi phương sách kinh tế mới đây mang nặng tính “kế sách chính trị”. Và như vậy, các yếu tố thuận lợi, giúp cho việc duy trì tỷ giá hiện tại, cơ bản vẫn còn.
“Tuy trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nhưng trong trung và dài hạn, xu hướng phá giá VND là tất yếu và với áp lực ngày càng gia tăng do tỷ giá thực hiệu dụng đa phương REER tiếp tục tăng, đặc biệt tăng nhanh hơn trong nửa cuối 2012”, ông Trịnh Quang Anh nhận định.
Cụ thể, theo ông Quang Anh, việc giữ tỷ giá cố định suốt giai đoạn vừa qua, tuy giúp Ngân hàng Nhà nước rảnh tay để đối phó với vấn đề lạm phát trong nước, nhưng sẽ tích tụ thêm khó khăn cho tương lai khi khu vực xuất khẩu bị thiệt hại vượt quá điểm cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc neo giữ tỷ giá đối với nền kinh tế.
Một nguy cơ tiềm ẩn nữa mà ông Trịnh Quang Anh đặt ra là dòng tiền đầu cơ hưởng chênh lệch lãi suất (carry trade) có thể đảo chiều khi xảy ra kịch bản tồi tệ nhất - tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm, vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ làm kinh tế vĩ mô chìm sâu vào bất ổn với lạm phát gia tăng trở lại.
“Cần hết sức lưu ý rằng, một ước tính cho thấy quy mô dòng tiền trên là lớn đáng kể khi mà chỉ riêng lượng tiền gửi VND của người không cư trú (chủ yếu dưới 12 tháng) hiện chiếm tới gần 1/5 tổng vốn huy động thị trường 1 của hệ thống ngân hàng, mức lớn hơn cả quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước”.
Ở một khía cạnh khác, ông Trịnh Quang Anh lưu ý thêm, cung ròng VND của Ngân hàng Nhà nước ra nền kinh tế hiện chủ yếu được thực hiện qua kênh mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, nguyên nhân chính giúp thanh khoản hệ thống trở nên dồi dào. Tuy nhiên, phần lớn lượng tiền gửi ngân hàng gia tăng lại không được cho vay ra nền kinh tế, thay vào đó, là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hoặc quay trở lại Ngân hàng Nhà nước qua kênh tín phiếu.
Và với thực trạng hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam, vấn đề trên đang gây hiệu ứng chèn lấn (crowding out), tác động tiêu cực đến nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất của chính Ngân hàng Nhà nước và làm tăng nguy cơ lạm phát sớm quay lại, sẽ là rủi ro tỷ giá tiềm ẩn cho năm 2013 và những năm tiếp theo.
Đoàn Huế (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
FID báo cáo sai khoản lỗ