Tỷ lệ đỗ cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012: Vẫn bệnh thành tích?
Con số “đẹp”
Nhìn vào kết quả tốt nghiệp THPT 2012 mà không biết mừng hay lo trước những con số đầy thành tích. Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh tỉnh Hậu Giang là 99,87% (tăng 2% so với năm 2011), trong đó 18/22 trường THPT 100% đỗ tốt nghiệp (tăng 8 trường so năm 2011).
Hệ giáo dục THPT có 18 trường đạt tỷ lệ đỗ 100%... Dự kiến, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay ở nhiều tỉnh như Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam… sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái.
Tại Hà Nội, năm nay, 98,24% thí sinh đỗ tốt nghiệp (năm 2011: 97,79%), trong đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp loại khá và loại giỏi chiếm 24,16%, cao hơn năm ngoái 5%. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98,18% tăng hơn so với năm học trước (96,7%), với 3,16% thí sinh đạt loại giỏi và 18,43% đạt loại khá…
Nhưng năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu không công bố công khai kết quả tốt nghiệp THPT trước khi Bộ nhận báo cáo. Điều này không khỏi khiến người quan tâm đến giáo dục băn khoăn nghĩ tới căn bệnh thành tích bấy lâu.
Còn nhớ, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa đã công bố một clip về tiêu cực trong thi cử tại trường THPT Vân Tảo (Hà Tây cũ). Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thẳng thắn nhận khuyết điểm và sửa sai ngay sau đó bằng việc thực hiện cuộc vận động "Hai không" trong năm 2007. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm đó tụt hẳn.
Dư luận xã hội cho là đúng chất lượng, nhưng ngành giáo dục… buồn. Nhưng chỉ ngay kỳ thi năm sau, ngành giáo dục lại có cuộc "ngược dòng" ngoạn mục, với tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng. Các tỉnh, thành đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp 80 - 90% và cao hơn.
Chính vì thế, sau hiện tượng tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), người ta không khỏi nghi vấn: Có phải ngành giáo dục lại đang đi vào "vết xe đổ" của chính mình cách đây 6 năm trở về trước?
Có nên thi tốt nghiệp?
Tỷ lệ tốt nghiệp cao chứng tỏ kỳ thi tốt nghiệp chẳng khó khăn gì, đồng nghĩa với việc đánh giá không đúng chất lượng dạy và học. Nói như PGS Văn Như Cương: "Bộ Giáo dục & Đào tạo nên tổ chức thi bằng một hình thức khác, không nên làm nặng nề như hiện nay. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay cũng chỉ với mục đích cấp chứng chỉ cho các em sau 12 năm học. Vậy thì không nên "nặng nề hóa" làm gì. Chỉ cần tổ chức một kỳ thi giống như kỳ thi học kỳ II lớp 11 là được. Thứ nhất, không cần thiết phải tập trung toàn quốc thi trong một ngày vì mỗi địa phương có một đặc điểm riêng về thời tiết và các điều kiện khác… Thứ hai, không cần cả nước thi chung một bộ đề thi. Đề thi môn Toán ở Hà Nội nên khác với ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Tất nhiên, vẫn phải dựa trên những quy chuẩn tối thiểu của môn học". Còn thầy giáo Dương Đức Hải, Hiệu trưởng trường THPT Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: "Nếu chúng ta coi tốt nghiệp THPT là phổ cập thì không nên tổ chức một kỳ thi tốn kém nhiều tiền của và tạo nhiều sức ép cho các em học sinh như hiện nay".
Vậy là, dù tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 rất cao, nhưng nhiều người lại buồn. Bởi lẽ, chất lượng giáo dục vẫn chẳng được nâng lên, tiêu cực ngày càng tinh vi hơn. Phải chăng, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một hình thức, một hình thức mà tiềm ẩn trong đó căn bệnh thành tích khó chữa bấy lâu.
Theo thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo Bắc Giang, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 của tỉnh đạt 99,04%. Trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất là THPT dân lập Đồi Ngô, với 78,39%. |
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo