Ưu tiên dùng hàng Việt: Doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm
Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức và hành động của chính các doanh nghiệp Việt.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 5. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả lớn nhất trong thực hiện cuộc vận động này là người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức về hàng Việt và đối với nhiều người tiêu dùng, hàng Việt đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi mua sắm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hàng Việt tiếp tục được người tiêu dùng ưu tiên, sử dụng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế và chính người tiêu dùng, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức và hành động của chính các doanh nghiệp Việt. Chúng ta đã có nhiều sản phẩm Việt chiếm ưu thế trên thị trường như: thực phẩm, thời trang, hàng dệt may… nhưng rất nhiều sản phẩm vẫn nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại.
Trong khi đó thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng phong phú và luôn thay đổi. Vì lý do này, dù hàng Việt tốt hơn, giá cả hợp lý hơn nhưng vẫn khó cạnh tranh với hàng cùng loại nhập khẩu. Đặc biệt, hàng hóa Việt chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao và cũng ít thương hiệu Việt được khẳng định trên thị trường thế giới.
Đơn cử như hàng dệt may của Việt Nam, dù được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và được bày bán trong nhiều cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn dưới cái tên của thương hiệu thời trang nước ngoài và phần giá trị gia tăng thu về chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Còn một số doanh nghiệp Việt đã đầu tư thương hiệu cao cấp cho riêng mình như May 10, nhưng sức lan tỏa của sản phẩm chưa đủ để lấp đầy mong muốn được sử dụng “hàng hiệu” Việt thực sự của người dân Việt.
Tình trạng này đang cho thấy thực tế mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước vẫn còn lỏng lẻo. Hàng Việt chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn. Trong khi đó, các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ mới là điểm mua bán, trao đổi chủ yếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận do ảnh hưởng nặng nề của tâm lý kinh doanh chộp giật và không tính đến việc đổi mới mang tính bền vững khiến hàng Việt mất sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá: “Tại sao bà con Việt kiều vẫn tìm gạo Nhật hay gạo Thái Lan để ăn không mua gạo Việt Nam. Ở đây phải nhìn lại vấn đề quản lý doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm. Tôi cho rằng tính chộp giật của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn và từ chộp giật tức thời này nó không dẫn đến hiệu quả và chất lượng cao của sản phẩm cho nên tính cạnh tranh rất yếu. Tính cạnh tranh yếu bên ngoài làm sao chúng ta có thể vươn ra để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, chúng ta chưa xây dựng được sản phẩm thương hiệu”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt hội nhập vào WTO là việc tạo dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với mục tiêu hướng tới sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu với giá trị gia tăng cao hơn. Muốn vậy, thương hiệu của hàng Việt phải được khẳng định. Có như vậy, hàng Việt mới có thể là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Vì vậy việc đổi mới của doanh nghiệp phải là nòng cốt và doanh nghiệp Việt cần tạo được sự liên kết chặt chẽ hơn. Ông Tô Hoài Nam nói: “Tôi nghĩ là doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới nhiều thứ”.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào WTO. Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương, nếu cuộc vận động chỉ dừng ở sự kêu gọi sẽ rất khó tạo được hiệu quả mang chiều sâu. Vì vậy, năm 2014, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần tập trung vận động để nâng cao và khẳng định chất lượng của hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt bằng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động.
Muốn vậy chúng ta cần có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sản xuất kinh doanh, kêu gọi sự liên kết bền chặt và đóng góp của các loại hình doanh nghiệp trong cải tiến mẫu mã, chất lượng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Ông Võ Văn Quyền phân tích: “Chỉ thị 264 sẽ nằm ở 3 nhánh, chứ không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động. Chúng ta tuyên truyền vận động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của hàng Việt Nam nhánh 3 là hoàn thiện thể chế của cơ quan nhà nước, chứ không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức. Trong đề án của cuộc vận động sắp tới đến năm 2020 đều phải được đặt ra”.
Cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên sẽ không thực sự thành công nếu thiếu sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp và những chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, chỉ khi doanh nghiệp Việt biết nắm bắt cơ hội và có chiến lược phát triển mang tính bền vững thì hàng Việt mới thực sự có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt và cạnh tranh được trên trường quốc tế./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo