Vã mồ hôi với các lò luyện thi… vô bổ!
Bục giảng là nơi để giáo viên đứng giảng bài, nhưng cũng được tận dụng để làm chỗ ngồi của nhiều học sinh…
Ôn thi để ôm mộng (…!)
Đó là cảnh tượng có thể bắt gặp tại nhiều "trung tâm luyện thi" ở khu vực gần các trường đại học như Bách Khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn… Các sĩ tử đăng ký ôn thi vì tâm lý bất an, một số đăng ký học các lớp có thầy dạy nổi tiếng và theo rỉ tai thì đó là thầy sẽ ra đề thi đại học năm nay….
Thâm nhập các "lò" luyện thi, PV báo PL&XH phát hiện, sự thật không như các sĩ tử tưởng tượng và không ít điểm luyện thi là nơi lừa đảo.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các trung tâm luyện thi đều trưng biển, hoặc phát tờ rơi "quảng cáo" lôi kéo học viên bằng các tiêu chí hấp dẫn: "Lớp ít học sinh; đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm, là giảng viên của các trường đại học; phòng học rộng rãi thoáng mát; có máy lạnh…".
Tuy nhiên, nhiều học sinh sau khi đăng ký học đã tá hỏa khi biết sự thật không như họ quảng cáo.
"Năm nay em thi Đại học Bách Khoa, em theo "hướng dẫn" trên tờ rơi để đăng ký học ở một trung tâm luyện thi. Họ nói rằng có các giảng viên đại học trực tiếp giảng dạy; lựa chọn học sinh theo trình độ… Nhưng thực ra không phải vậy, giáo viên không phải là giảng viên đại học. Hôm khai giảng lớp luyện thi, đúng hẹn em đến học thì họ lại thông báo hoãn. Ngày hôm sau em đến, thì họ lại đổi giáo viên. Nghi ngờ cách làm ăn của họ, chúng em không học nữa và xin lấy lại tiền nhưng không được. Em đành cùng một số bạn khác tìm gia sư dạy riêng".
"Lò" chật như nêm cối
Tại lò luyện thi của Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề (Cầu Giấy - Hà Nội). Mặc dù chưa đến giờ vào học nhưng từ 6h30 đã chật kín người. "Lớp học" là một phòng hội trường rộng chừng gần 300m2.
Có khoảng 700 học sinh "lèn" trong một lớp học chật như nêm cối. Mỗi bàn học dài khoảng 2m với 7 đến 9 học sinh chen chúc ngồi. Bục giảng là nơi để giáo viên đứng giảng bài, nhưng cũng được tận dụng để làm chỗ ngồi của nhiều học sinh.
Tại "lò luyện thi" này, nhiều học sinh kém may mắn hơn, không tìm được chỗ ngồi trong phòng nên đành phải "dự thính" ngoài hành lang. Trong cái nóng nung người, các học sinh vẫn miệt mài ghi chép, mồ hôi vã ra như tắm.
"Em từ Sóc Sơn, nghe nói trung tâm này chất lượng nên em đăng ký ôn thi. Nhiều người đăng ký quá, em phải đến trước giờ vào lớp mới "giành" được chỗ ngồi, nếu đến chậm thì sẽ phải ngồi ngoài hành lang, vừa nắng nóng vừa khó nghe" - học sinh tên Hà cho biết.
Trong không khí như vậy, lời giảng của giáo viên bị những tiếng ồn át đi. Nhiều học sinh mệt mỏi gục xuống bàn học ngủ vùi. Một số khác thì quay sang tán chuyện tầm phào.
"Lớp học quá ồn ào, nên em không nghe được lời cô giảng. Nhưng lỡ đăng ký tham gia, và nộp tiền rồi nên em cứ đi học thôi, bỏ thì tiếc" - một học sinh cho biết.
Trao đổi với PV báo PL&XH, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Trường đã nhận được những phản ánh về việc nhiều trung tâm luyện thi mạo danh Đại học Sư phạm Hà Nội, hoặc mạo danh giảng viên ở đây để trục lợi bất chính. Việc những trung tâm quảng cáo sai sự thật như vậy thì họ phải tự chịu trách nhiệm khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Cũng theo thầy Hiền, việc học ở những lò luyện thi cấp tốc hầu như sẽ không có kết quả. Thực tế, tinh thần tự học của học sinh mới quan trọng, phải kiên trì chịu khó. Kiến thức phải được tích lũy trong một thời gian dài, từ dễ đến khó, từ thấp đến nâng cao… chứ đến kỳ thi mới lao vào những lò luyện thi cấp tốc thì hiệu quả không cao.
Thực hư chiêu độc "ôn thi cùng thủ khoa"
Một "mánh" khác của nhiều trung tâm luyện thi tại Hà Nội là quảng cáo rầm rộ những gói ôn thi có giá hàng chục triệu đồng nhưng thực chất chỉ là lừa đảo học sinh và các bậc phụ huynh nhẹ dạ.
"Mánh" lợi hại nhất phải kể đến chương trình "ôn thi cùng thủ khoa" của Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam. Trên website: www.hocvalam.vn của trung tâm này có đăng tải danh sách thủ khoa đang tham gia giảng bài, kèm cặp học sinh ôn thi, như Tăng Văn Bình; Lê Minh Thông; Đinh Quang Cường, Hà Khương Duy, Nguyễn Hoàng Hải… từng là thủ khoa nổi tiếng trong các kỳ thi tuyển sinh đại học.
Để tạo thêm lòng tin cho khách ghé thăm, website còn có cả danh sách họ tên, trình độ và đơn vị công tác của hàng chục "chuyên gia luyện thi" là giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội…
Liên hệ với trung tâm này chúng tôi được biết, hiện tại chương trình "ôn thi cùng thủ khoa" tại đây đã nhận đủ học sinh. Học phí cho một tháng ôn thi tại đây rất cao với giá 6 triệu đồng. Nếu có nhu cầu ở nội trú mỗi học sinh đóng thêm 1,2 triệu đồng/người.
Còn ở gói ôn thi cao cấp, học viên được ở chung nhà với thủ khoa, khi vượt qua vòng kiểm tra kiến thức, học viên phải nộp trước 15 triệu đồng, chưa kể tiền cam kết thưởng cho thủ khoa khi học sinh thi đỗ đại học.
Tuy nhiên, nhiều học sinh và cả phụ huynh đã không khỏi ngỡ ngàng, khi mánh lới trên bị phơi bày.
Trao đổi với PV báo PL&XH anh Đinh Quang Cường, thủ khoa Đại học Ngoại Thương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia sư thủ khoa ( Câu lạc bộ Thủ khoa EFC) cho biết: " Câu lạc bộ thủ khoa của chúng tôi hoạt động hoàn toàn độc lập, không liên kết giảng dạy với bất kỳ trung tâm luyện thi nào khác. Việc nhiều trung tâm cứ quảng cáo rằng có sự tham gia giảng dạy của các thành viên Câu lạc bộ từng là thủ khoa các trường đại học như Tăng Văn Bình; Lê Minh Thông; Đinh Quang Cường… đó là sai sự thật".
"Họ không hỏi ý kiến chúng tôi mà cứ tùy tiện quảng cáo như vậy thôi. Hiện tại chúng tôi chỉ có hai điểm tổ chức luyện thi, trụ sở chính là ở 35C đường Bưởi hoạt động quanh năm; và một cơ sở dự phòng tại số 3 ngách 1 ngõ 898 đường Láng. Nhiều học sinh cũng bày tỏ sự hoang mang với tôi về việc này, các em đã tham gia luyện thi ở nhiều trung tâm khác. Thực tế tôi cũng không biết phải nói thế nào, ngoài việc nói rằng chúng tôi không liên kết giảng dạy với trung tâm nào cả. Chúng tôi chỉ tổ chức một lớp luyện thi duy nhất. Các thành viên thủ khoa, á khoa của Câu lạc bộ cũng không có chuyện vừa giảng dạy bên này vừa giảng dạy bên kia", anh Cường cho biết thêm.
Theo PL&XH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hủ tục lạnh người, 'chôn sống' cha mẹ già khi ngoài 60 tuổi: Con cái xây mộ sẵn, mỗi ngày đi đưa cơm mang một viên gạch để lấp
Bạn có biết loại cây duy nhất này chỉ Việt Nam mới có, chưa từng xuất hiện trên thế giới
Lăng mộ thờ tổ đồ sộ bậc nhất Việt Nam ở làng tỷ phú: Cao 41m, mất tới 9 năm xây dựng
CLIP: Người đàn ông dùng võ thuật đối đầu với chó Ngao Tây Tạng và cái kết bất ngờ
Việt Nam có một loài cá 'quý như vàng', xếp vào hàng những loại cá đắt đỏ nhất thế giới, có bộ phận bán giá gần 2 tỷ
Tre không phải loài cây, gọi là gì?