Vải thiều Bắc Giang 2015: Một mùa vụ thắng lợi!
Bắc Giang thu về 4,6 nghìn tỷ đồng từ vải thiều
Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2015. Theo đánh giá của Sở Công thương Bắc Giang, năm nay, mặt hàng vải thiều vừa được mùa và được giá.
Cụ thể, năm 2015 do thời tiết thuận lợi, với tổng diện tích hơn 31 nghìn ha, sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt 195.000 tấn quả tươi. Trong đó, huyện Lục Ngạn đạt 118.000 tấn, Lục Nam 30.000 tấn, còn lại là các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động, Yên Dũng, Hiệp Hòa và Việt Yên.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, giá vải thiều năm 2015 cao nhất tính trong 5 năm trở lại đây, đạt trung bình 15.000 đồng/kg, cao hơn năm 2014 tới 3.000 đồng/kg; giá trị sản xuất vải thiều đạt 2.900 tỉ đồng.
Vải thiều được mùa được giá cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề dịch vụ phụ trợ như nhân công bốc xếp, sản xuất thùng xốp, sản xuất nước đá, đá cây. Doanh thu từ ngành nghề dịch vụ phụ trợ ước đạt 1.700 tỉ đồng.
“Vụ vải năm 2015, sản lượng toàn huyện lên đến 118 nghìn tấn, tổng giá trị thu được 1.770 tỉ đồng, cao nhất trong hơn 60 năm qua. Đặc biệt, năm nay, giá vải bán bình quân cao hơn năm ngoái 2.500 đồng/kg đã mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng vải . Nếu như những năm trước, vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ trong nước đạt khoảng 30-40% thì năm nay tăng lên 50%, đại diện tỉnh Bắc Giang thông tin.
Thâm nhập được các thị trường khó tính
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, thị trường tiêu thụ vải thiều năm nay có sự thay đổi so với năm 2014.
Trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 55% tổng sản lượng, tăng gần 10% so với năm 2014. Thay vì chỉ có mặt tại một số tỉnh, TP lớn như trước, vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ khắp toàn quốc với sản lượng 107.000 tấn. Riêng thị trường phía Nam khoảng 64.000 tấn, chiếm 60%.
"Đây là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa đạt cao, điều này chứng tỏ sức tiêu thụ vải thiều trong nước còn rất lớn. Tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những năm tới", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Thái nhấn mạnh.
Ông Thái cũng cho biết, năm 2015 là lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được xuất ngoại sang Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN với sản lượng xuất khẩu đạt 85.500 tấn.
Ông Thái nhấn mạnh, việc xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính này đã khẳng định thương hiệu và chất lượng vải thiều Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho vải thiều Bắc Giang.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia cũng chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác xuất khẩu vải thiều của Việt Nam năm 2015 vào thị trường Australia còn gặp nhiều khó khăn do đối tác đồng ý mở cửa thị trường cho vải thiều Việt Nam quá sát thời gian thu hoạch, trong vòng một tháng. Điều này, ít nhiều khiến các doanh nghiệp tiếp cận gặp nhiều bỡ ngỡ.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều thời gian tới, theo Bộ Công Thương cần tăng cường diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Trên cơ sở đó phải nắm rõ quy trình nhập khẩu và yêu cầu chất lượng đóng gói của nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng trước khi các lô hàng rời Việt Nam và giảm thiểu các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, chủ động hơn nữa trong công tác mở rộng khai thông thị trường quốc tế, tháo gỡ rào cản trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại đa phương và song phương. Đàm phán mở rộng thị trường, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình đàm phán các Thỏa thuận chung liên quan đến Quy trình đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với trái cây tươi của Việt Nam để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.
Kế hoạch để vải thiều phát triển bền vững
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá vải thiều là mặt hàng có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, trong vòng hơn 1 tháng nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu trong bảo quản vải thiều sau thu hoạch. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vải chưa đa dạng và bền vững.
Hơn nữa, chất lượng vải chưa đồng đều, việc đóng gói, dán nhãn vải thiều của tỉnh chưa được chú trọng, công tác quản lý và bảo vệ thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp của tỉnh có khả năng xuất khẩu vải thiều tươi đến thị trường xa, khó tính chưa có.
Chính vì thế, để vải thiều phát triển ổn định và bền vững, các vị lãnh đạo của Tỉnh cũng đã thống nhất kế hoạch thực hiện thời gian tới. Theo đó, về sản xuất và bảo quản sau thu hoạch, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người trồng vải trên địa bàn sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hiện đại, an toàn, mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap; chuyển dịch cơ cấu phù hợp cho nhiều loại vải thiều nhằm kéo dài mùa vụ; tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản vải thiều nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, các nước Trung Đông, EU, Úc....
Trong công tác xúc tiến thương mại tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều; chủ động phối kết hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước để tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với các doanh nghiệp, thương nhân và các hệ thống phân phối; Hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài; quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều; dần hình thành các điểm thu mua với quy mô lớn, giảm dần các điểm nhỏ lẻ, gây ắc tắc giao thông. Đồng thời, tiếp tục bảo đảm đủ vật tư nông nghiệp, điện, nước, vốn… phục vụ sản xuất và tiêu thụ vải thiều.
"Công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đây là khó khăn cản trở lớn nhất để chúng ta có thể đưa quả vải sang các thị trường mới, thị trường khó tính và ở xa, ngoài ra cũng chưa có doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản thu hoạch đóng gói mang tính chuyên nghiệp để phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đến giá thành cao. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn và phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các Bộ ngành Trung ương và địa phương thu mua vải thiều của Bắc Giang và sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp", ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines