Vay ngân hàng 144.000 tỷ đồng, EVN đứng đầu bảng nợ
Hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Hiện, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng, mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đứng đầu bảng nợ, EVN xin thêm ưu đãi
Tại Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách" diễn ra sáng nay (13/12), ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Đối với dự án thủy điện Sơn La, tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng.
Đối với dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn thị trường khan vốn, lãi suất tăng cao, các NHTMNN đã không điều chỉnh tăng lãi suất cho vay và chia sẻ một phần lợi ích. Đến giai đoạn mặt bằng lãi suất hạ, NHNN lại yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng đã ký.
Ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng - đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Hiện, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20% đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện; còn lại chủ yếu là vốn vay.
Trong khi đó, phần lớn các dự án điện lại có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn nên cũng gây nhiều khó khăn trong thẩm định cho vay vốn.
Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, riêng giai đoạn 2011 - 2015, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn ở mức 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/ năm); trong đó, nhu cầu vốn đầu tư thuần là 378.800 tỷ đồng (đầu tư cho các dự án nguồn điện 225.282 tỷ đồng, chiếm 59,6%) và phần trả nợ gốc và lãi vay lên tới 130.668 tỷ đồng.
Phần trả nợ gốc và lãi vay của EVN trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 198.000 tỷ đồng và tổng hợp cả giai đoạn 2011-2020 là 330.500 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 3 năm 2011-2013 đã đạt mức 240.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện ước khoảng 106.000 tỷ đồng. Cho đến nay, Tập đoàn đã thu xếp, ký kết được các hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với các tổ chức tài chính quốc tế đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2015.
Qua tăng cường quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương, song phương như ADB, WB, AFD, JICA..., Tập đoàn đã ký được nhiều hiệp định vay vốn ODA và vốn vay thương mại quốc tế. Đồng thời, cũng nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tìm kiếm nguồn vốn cũng như trong chuẩn bị thủ tục và phê duyệt khoản vay.
Cũng theo ông Thành, đến nay, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Vì vậy, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Phía EVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên; cũng như tiếp tục cho phép các Ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng.
Ngoài ra, EVN còn đưa ra một loạt đề xuất, muốn Chính phủ cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước; có cơ chế đặc biệt đối với Tập đoàn trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế; đồng thời nghiên cứu rút gọn quy trình và thủ tục đàm phán các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với các ngân hàng thương mại trong nước, EVN đề xuất xem xét miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện khi cho vay vì các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ phê duyệt và muốn các ngân hàng giảm bớt các trường hợp phải xin bảo lãnh của Chính phủ.
Sắp giải trình việc EVN đưa biệt thự vào giá điện
Sáng 12/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, trong tuần tới sẽ tổ chức họp báo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương sẽ tham gia và giải trình các vấn đề mà báo chí quan tâm liên quan đến hoạt động của EVN.
Trước đó vào cuối tháng 10/2013 thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi tính tiền xây biệt thự, sân tennis vào giá điện.
Cụ thể, 6 dự án nguồn điện gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”.
Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.
Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo