Khám phá

Vi phạm bản quyền phần mềm: Không dễ xử phạt

Nhiều doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm không chấp nhận kết luận xử phạt của thanh tra với lý do “còn nhiều công ty khác cũng vi phạm”.

Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) vừa công bố Báo cáo Toàn cầu về vi phạm bản quyền phần mềm 2011.

 

Theo bản báo cáo này, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam năm 2011 là 81%, giảm 2% so với năm 2010, giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền cũng giảm 4% so với năm 2010, tương đương 395 triệu USD.

 

Bình luận về con số trên của Việt Nam, ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp phụ trách Phòng chống Vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA cho rằng, đây là kết quả tích cực của việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo ông Tarun Sawney, con số 81% vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn còn khá cao so với tỷ lệ trung bình chung của khu vực và thế giới (tương ứng 60% và 42%).

 

“Việt Nam còn nhiều việc phải làm và vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống ngang bằng mức khu vực và thế giới”, ông Tarun Sawney nói.

 

Còn theo ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Máy tính Lạc Việt (đơn vị có phần mềm bị “dùng chùa” nhiều nhất qua các đợt thanh, kiểm tra), nếu 81% người tiêu dùng thừa nhận có hàng hóa bị ăn cắp (dù chỉ đôi khi), thì chính quyền cũng sẽ phản ứng bằng cách tăng cường lực lượng cảnh sát kiểm tra, xử phạt.

 

“Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm có được một tương lai xán lạn hơn cho chính chúng tôi, khi đã đầu tư hàng triệu USD vào việc phát triển các giải pháp phần mềm”, ông Hà Thân nói.

 

Thời gian qua, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã liên tục phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp về việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính.

 

Gần đây nhất, đã có vụ kiện đầu tiên về vi phạm bản quyền phần mềm máy tính được Tòa án Nhân dân tối cao TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên môn, việc xử lý các vi phạm liên quan đến vi phạm bản quyền trên thực tế không “thuận buồm xuôi gió”.

 

Theo ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại Việt Nam, trong quá trình thanh tra, nhiều doanh nghiệp khi bị lập biên bản vi phạm đã không chấp nhận kết luận của thanh tra với lý do “cũng có nhiều doanh nghiệp vi phạm”. Đó là cái khó trong quá trình thanh kiểm tra, còn theo ông Từ Văn Nhũ, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, việc xử lý vi phạm bản quyền phần mềm không đơn giản.

 

“Ranh giới mức độ sai phạm như thế nào thì xử lý hình sự, dân sự, hành chính vẫn còn là một vấn đề chưa có những quy định cụ thể. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần bàn thảo để thống nhất xây dựng một khung sai phạm quy định rõ sai phạm nào xử lý hình sự, sai phạm nào xử lý dân sự, sai phạm nào xử lý hành chính”, ông Nhũ cho biết thêm.

 

 

Theo Đầu tư

 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo