Vì sao cơn dông lốc khiến Hà Nội tan hoang sau 30 phút?
Khoảng 17h ngày 13/6, cơn dông lớn bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội. Gió mạnh kèm theo mưa rào kéo dài trong vòng 30 phút khiến nhiều cây cối, biển quảng cáo, barie ngã đổ, bay khắp nơi.
Đặc biệt, tại chân các tòa cao ốc, gió còn mạnh hơn vài cấp. Ít nhất một người đã thiệt mạng, nhiều người nhập viện. Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết, hiện tượng dông, tố, lốc kèm theo mưa thường diễn ra rất nhanh vào cuối ngày.
"Cơn dông mạnh là một dạng thời tiết nguy hiểm, thời gian hình thành và kết thúc có khi chỉ khoảng 10 phút. Càng những ngày nắng nóng gay gắt thì dông lốc xảy ra càng ác liệt do hoạt động đối lưu tăng cao" - ông Nguyễn Đức Hòa lý giải.
Theo tính toán của chuyên gia khí tượng, cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội có sức gió mạnh cấp 8-9. Đặc biệt, tại các tuyến phố giữa các tòa nhà cao tầng, luồng gió có thể mạnh hơn vài cấp.
Trong cơn dông thường xuất hiện sấm sét, kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có cả mưa đá. Sét có thể làm chết người, cháy nhà, hoặc làm gián đoạn và hao hụt sự truyền điện năng trên các đường dây dẫn.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của lốc - gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong phạm vi nhỏ tới hàng trăm mét và tồn tại trong thời gian ngắn. "Nhiều cơn dông có thể bốc đi một lúc mấy toa tàu hoả, những ngôi nhà hoặc những tàu thuyền cỡ vài chục tấn", ông Hòa nói.
Chính vì vậy, chuyên gia khí tượng không ngạc nhiên trước cảnh tượng tan hoang chiều 13/6 ở Hà Nội. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là trên đường phố thủ đô thường có đông người, vì thế, hậu quả của dông, lốc rất khó lường.
Cơn dông bất ngờ vào chiều qua, 13/6 đã khiến ít nhất 1 người chết, 10 người nhập viện vì dông lớn Cơn dông lớn đến nỗi thổi lật xe tải trên cầu Vĩnh Tuy. Hàng loạt cây xanh bật bung gốc đè trúng ôtô, xe máy khiến nhiều người nhập viện.
Gió lốc mạnh cấp 9 đã làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái tôn, giật đứt dây điện, các tấm biển quảng cáo bay tứ tung, nhiều khu vực dân cư bị mất điện cục bộ. Một số người đi bộ, đi xe máy trên đường bị gió xoáy văng ra khỏi xe. Gió lớn đã làm bật gốc nhiều cây xanh trên các tuyến đường nội thành, gây thiệt hai nghiêm trọng.
Cây đổ ngổn ngang trên các tuyến đường Giải Phóng, Tam Trinh, Kim Ngưu, Hoàng Đạo Thúy, Thanh Nhàn, Nguyễn Phong Sắc, Khâm Thiên, Chùa Bộc, Trần Đại Nghĩa, Đền Lừ và các tuyến đường trong các khu đô thị…
Theo thống kê ban đầu của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, đã có hơn 200 cây bị đổ, trong đó hơn 120 cây đổ chắn ngang đường. Tại ngã tư phố Quang Trung - Nguyễn Du, một cây xà cừ lớn bị bật gốc đã đè trúng một người đàn ông đi xe máy, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Lực lượng chức năng đã huy động xe cứu hỏa đến hiện trường, dùng đèn xe cứu hỏa chiếu sáng, hỗ trợ công nhân Công ty Công viên Cây xanh thu dọn cây, đưa thi thể nạn nhân ra ngoài.
Gần ngã tư phố Bà Triệu – Lý Thường Kiệt, cây đổ đè trúng một người đang chạy xe máy trên đường, khiến người này bị thương phải đưa đi cấp cứu.
Tại khu vực Hà Nội, dông thường xảy ra vào mùa nóng, nhất là vào buổi chiều và tối khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển. Mùa dông thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11.
Ông Hòa cho biết, thông thường trước các cơn dông trên trời xuất hiện những đám mây vần vũ và đen sẫm lại. Gió đang thổi, bỗng nhiên ngừng hẳn. Nhiệt độ giảm, độ ẩm trong không khí cao, không khí bỗng trở nên mát mẻ, se lạnh...
Đối với mưa đá, trên trời sẽ xuất hiện những đám mây đen sẫm lại gần như che kín tầm mắt, sau đấy thấy gió nổi lên mạnh tạo ra tiếng ù ù, ầm ầm liên tục thì mọi người cần cảnh giác với mưa đá.
Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, mưa đá sẽ xuất hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo