Theo Đài Tiếng nói nước Nga ngày 4/1, các nhà địa chất Nga đã tìm thấy vỉa quặng vàng có nguồn gốc tự nhiên ở đáy sâu Thái Bình Dương. Trước đó, các nhà khoa học cũng tìm thấy kim cương trên sao Mộc và sao Thổ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thăm dò nghiên cứu địa chất, con người phát hiện khối lượng vàng lớn như vậy ở độ sâu hơn 1,5km dưới mặt nước biển.
Các chuyên gia khẳng định rằng trong 1 tấn quặng đại dương có chứa khoảng 13 gram vàng, trong khi trên đất liền, cứ 1 tấn quặng chỉ có 3-7 gram vàng.
Vỉa quặng vàng nêu trên được phát hiện khi các nhà địa chất Nga, từ boong tàu nghiên cứu “Viện sĩ Aleksandr Vinogradov”, tiến hành nghiên cứu lớp kiến tạo bao phủ của núi ngầm Detroit trên chóp cao Obrucheva phía Bắc Thái Bình Dương.
Từ đó, các nhà khoa học Nga đã tìm thấy vỉa vàng trải dài gần hai km dưới độ sâu 1.650m. Giới địa chất cho rằng quặng với hàm lượng vàng cao có thể hiện diện cả ở những khu vực khác của Thái Bình Dương.
Theo lời kể của các chuyên viên, ngay từ giữa thế kỷ trước, các nhà khoa học bắt đầu thử tìm cách lọc lấy vàng và những khoáng sản có ích khác từ lòng biển sâu. Tuy nhiên cho đến nay giới nghiên cứu chưa phát hiện mỏ quặng hứa hẹn chứa thật nhiều vàng để bõ công khai thác. Chỉ tìm ra bạch kim, còn vàng thì chẳng thấy đâu.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa ai có thể tính đến chuyện khai thác vàng ở độ sâu lớn như trên, đơn giản bởi chưa có những máy móc trang bị cần thiết.
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ cũng công bố công trình nghiên cứu về Sao Mộc và sao Thổ. Điều đáng chú ý là kết luận hai hành tinh này thường có những trận mưa kim cương trên trời.
Hai nhà khoa học hành tinh, Mona Delitsky của Cơ quan Kỹ thuật đặc biệt Califoria (CSE) ở Pasadena, California, Mỹ và Kevin Baines của Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu và cho biết, Sao Mộc và sao Thổ có thể chứa rất nhiều kim cương.
Những mô hình chuẩn về cấu trúc hành tinh cho rằng bên trong sao Thổ có cấu trúc tương tự như của sao Mộc, với một lõi đá cứng bao quanh bởi hydro và heli với một lượng nhỏ những hợp chất dễ bay hơi trong khí quyển.
Theo các nhà khoa học, kim cương có thể trôi trong dòng hydro và heli lỏng ở bên trong bầu khí quyển của sao Thổ và sao Mộc. Hơn nữa, ở độ sâu thấp hơn, dưới áp lực và nhiệt độ cực cao loại đá quý giá này còn bị tan chảy, nghĩa là sẽ có những cơn mưa kim cương.
Hai nhà khoa học Baines và Delitsky cho biết: "Các dữ liệu mới đây đã xác nhận rằng ở độ sâu nhất định, kim cương có thể trôi bên trong sao Thổ. Một số nơi, đá quý phát triển quá rộng nên được gọi là “núi kim cương".
Kim cương có thể hình thành khi cacbon (có trong than chì hoặc muội than do những cơn bão mạnh ở lớp khí quyển trên cùng của sao Thổ tạo ra) rơi vào bầu khí quyển sâu của hành tinh này.
Tại đây, nó được ép thành những viên kim cương. Sau đó, những viên đá quý rơi xuống tầng khí quyển thấp hơn, gần lõi hành tinh và biến thành chất lỏng.
Các nhà khoa học cho hay kim cương rắn có thể tồn tại trong các lõi tương đối lạnh của sao Hải Vương và sao Thiên Vương nhưng sao Mộc và sao Thổ được cho là quá nóng để hình thành kim cương rắn.
Báo Đất việt