"Cánh cửa to lớn mở ra cho cả Mỹ và Việt Nam trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về phát triển điện hạt nhân".
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nói như vậy tại lễ ký chính thức Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) ngày 6/5 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Việc ký kết Hiệp định đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đồng thời mở ra những cánh cửa to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước”.
Hiệp định 123 cho phép Mỹ và Việt Nam hợp tác phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân dân sự; quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng; đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và môi trường...
Trước đó, Hiệp định này đã được ký tắt giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 10-10-2013 tại Brunei trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Thượng đỉnh liên quan được tổ chức tại Brunei.
Trao đổi với Đất Việt, GS Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận định: "Hiệp định này cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam. Việc hai bên ký kết thành công thực sự là một tin vui".
GS Trần Hữu Phát cho biết, trừ hệ thống của Liên Xô trước đây thì trên toàn thế giới thì lò phản ứng hạt nhân của Mỹ là đầu tiên và hiện nay vẫn là đỉnh cao nhất.
Mặc dù việc triển khai xây dựng nhà máy hạt nhân mới ở Mỹ không nhiều nhưng hầu như tất cả các Li xăng (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, công nghệ...) về điện hạt nhân đều là do Mỹ chuyển giao cho Pháp rồi Nhật Bản.
"Cho nên Việt Nam ký được với Mỹ có thể giúp chúng ta tiếp xúc được công nghệ nguồn một cách đàng hoàng", GS Phát nói.
GS.TS Trần Đại Phúc, chuyên gia tư vấn Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận cũng cho rằng: Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam có thể thu được các kinh nghiệm của các cơ quan và tổ chức ở Mỹ như DOE, USNRC về mặt pháp quy. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc khi đưa ra một quyết định liên quan đến việc lựa chọn một công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy sắp xây dựng.
Báo Đất Việt