Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn nhất cho nền kinh tế
Chia sẻ tại hội thảo "Dự báo kinh tế Việt Nam và Triển vọng đầu tư năm 2018" diễn ra hôm 23/3, TS. TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright khẳng định: "Những kết quả về cải thiện kinh tế và môi trường kinh doanh năm 2017 là thực chất".
Kinh tế năm 2017 cải thiện là thực chất
Tức, với sự nỗ lực không chỉ riêng của cơ quan Nhà nước, mà doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong công cuộc nâng cao năng lực sản xuất nhằm đứng vững và cạnh tranh ngang bằng với đối thủ nội ngoại, nền kinh tế nước ta năm qua đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Bao gồm:
(1) Đạt đủ cả 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội, trong đó GDP 2017 tăng trưởng ngoạn mục đạt 6,81%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng lần đầu vượt mốc 400 tỷ USD… đáng chú ý lạm phát cơ bản vẫn giữ tại mức tương đối là 1,41%;
(2) Cắt giảm giấy phép đạt con số kỷ lục. Cụ thể, trong một báo cáo mới đây trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính. Động thái này đã giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng nhanh, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn gián tiếp đều tăng mạnh;
(3) Xếp hạng môi trường kinh doanh theo WorldBank tăng 14 bậc;
(4) Xếp hạng cạnh tranh của WEF tăng 5 bậc;
(5) Thị trường chứng khoán tăng cao với mức thanh khoản kỷ lục, chưa kể mới đây VN-Index đã chính thức vượt mốc lịch sử với 1.171 điểm.
Cùng với đó, sự kiện ký kết thành công CPTPP (TPP-11) hôm 9/3/2018 sau nhiều thăng trầm, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, may mặc... Chưa kể, nước ta còn đứng trước thềm ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác như FTA, RCEP… năm 2018 theo đó sẽ là năm đánh dấu những nền tảng đầu tiên trong công cuộc hội nhập sâu rộng, sau 10 năm kể từ hiệp định WTO.
Song, nền kinh tế ấm lên đó nhưng trước bối cảnh thế giới khá nhạy cảm, đặc biệt chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ đột ngột được nâng cao, ông Du cho rằng không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt với rủi ro chiến tranh thương mại.
Riêng về nội lực, ông Du cũng chỉ ra 3 thách thức lớn đối với kinh tế hiện nay, đó là không gian tài khóa cạn kiệt, sự ổn định của hệ thống ngân hàng và khả năng tăng năng suất còn nhiều bất cập. Như vậy, dự báo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ chậm lại!
Thu ngân sách không đủ cho chi thường xuyên và trả nợ
Hạ hồi phân giải 3 bài toán khó trên, trước hết là không gian tài khóa cạn kiệt được cảnh báo sẽ dẫn tới tăng nợ công và làm tình trạng thâm hụt tài khóa trở nên nghiêm trọng hơn. Theo ông Du, tính đến nay không gian tài khóa hầu như không còn dư địa vì thu ngân sách hiện không đủ cho chi thường xuyên và trả nợ.
Trên thực tế, câu chuyện này không còn quá xa lạ, khi nhiều chuyên gia trước đó từng nhận định tình trạng này có thể dẫn đến 4 hệ quả quan trọng:
• Thứ nhất, do không có tích lũy nên để đầu tư Chính phủ buộc phải đi vay.
• Thứ hai, một đồng đầu tư tăng thêm là ngân sách thâm hụt thêm một đồng.
• Thứ ba, để tài trợ thâm hụt tài khóa, Chính phủ buộc phải phát hành nợ, khiến nợ công tiếp tục tăng cao.
• Thứ tư, nợ của Chính phủ chèn lấn đầu tư của khu vực tư nhân và khiến chính sách giảm lãi suất của Chính phủ trở nên khó khăn (thực tế là nợ công và nợ xấu ngân hàng cùng nhau khiến mục tiêu giảm lãi suất trở nên hầu như bất khả thi).
Khó khăn dòng tiền trên về sâu sa có liên kết chặt chẽ với hệ thống ngân hàng, và đây cũng chính là thách thức lớn thứ hai đối với nền kinh tế nước ta.
Ngân hàng và lời nguyền 10 năm
Cụ thể, "Nói về ngân hàng, chắc hẳn ai cũng phải nhớ đến lời nguyền 10 năm với các mốc quan trọng: Năm 1989, năm 1999 - đi cùng với bong bóng bất động sản và đại án ông trùm nhà đất Tăng Minh Phụng lừng lẫy một thời", ông Du phân trần.
Và đi sát bối cảnh hiện nay nhất là cột mốc năm 2009 với câu chuyện xử lý nợ xấu được lên ngôi. Sau gần 5 năm triển khai kể từ tháng 10/2013, VAMC bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết. Theo đó, năm 2017 Việt Nam tiếp tục sử dụng công cụ hỗ trợ mới là "Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu", đặc biệt có nhiều điểm mới kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm những tồn đọng còn lại trong hệ thống tín dụng.
Nói đi cũng phải nói lại, kỳ vọng là vậy nhưng kết quả như thế nào vẫn chưa một ai trả lời chính xác được. Và dấu ấn tiếp theo năm 2019 đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam dự báo sẽ đi vào một công cuộc mới, quyết liệt hơn trong việc loại bỏ sở hữu chéo, đầu cơ… "Tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo đến nay vẫn chưa rõ ràng. Đồng thời yếu tố đầu cơ tín dụng, tức phân bổ nguồn vay chưa thực sự chú trọng vào sản xuất như mục tiêu là những vấn đề còn bỏ ngỏ", vị chuyên gia này nhấn mạnh; như vậy hệ thống ngân hàng còn nhiều bất cập, chưa kể hệ số an toàn vốn CAR năm 2017 giảm từ 12% chỉ còn 11% so với cùng kỳ thực sự mang tính quyết định đến nền kinh tế cả nước.
Nan giải bài toán hội nhập với 2 quan điểm trái chiều
Tại hội thảo, một vấn đề nóng khác được ông Du đề cập chính là sự trục trặc trong quá trình hội nhập, nhìn lại bài học từ WTO. "Hội nhập đồng nghĩa với việc thay đổi kỳ vọng như thế nào. Bởi, nếu mọi người cứ làm tốt như từ trước đến nay đang làm, thì thị trường sau khi mở cửa sẽ vẫn đi lên", ông Du nói.
Ông Du chia sẻ tại hội thảo "Dự báo kinh tế Việt Nam và Triển vọng đầu tư năm 2018" diễn ra hôm 23/3/2018.
Theo giảng viên Đại học Fulbright, câu chuyện hội nhập kể từ 2018 có 2 quan điểm trái chiều:
(1) Một là trí tuệ nhân tạo, tức tất cả mọi thứ sẽ dồn về chung thành một khối, lúc này mọi người đều vui vẻ vì không quan trọng ai làm bao nhiêu, mà vấn đề lúc này là cách phân bổ. Vì với quan điểm này, khi cách mạng công nghệ nổ ra thì mọi thứ đã có robot, máy móc làm hết.
(2) Quan điểm thứ hai cũng chính là tư tưởng được lựa chọn bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump – Chủ nghĩ bảo hộ. Cụ thể, chủ nghĩa này cho rằng khi công nghệ phát triển, nền kinh tế bước vào một sự tăng trưởng mới thì bắt buộc phải có sự phân hóa. Trong đó, người có khả năng, có tiền sẽ phát triển; những người yếu thế còn lại hiển nhiên bị loại bỏ.
Với quan điểm trên, ông Trump thời gian gần đây liên tục đưa ra những tuyên bố bảo hộ quá mức, khiến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao. Được biết, Hoa Kỳ trên vai trò là đồng minh trong thương vụ hội nhập toàn cầu 70 năm qua đã cùng với nhiều quốc gia xây dựng nên một cấu trúc, thể chế chung cho kinh tế thế giới. Song, từ sau nhiệm kỳ Tổng thống mới và rõ ràng nhất cho đến hôm nay, đồng minh đó đã đi ngược lại khiến niềm tin của những thành viên khác không còn.
"Một khi không còn niềm tin thì mọi quốc gia sẽ đi vào thế phòng thủ, tức sẵn sàng trả đũa nhau, và hậu quả sẽ khiến nền kinh tế thế giới đi xuống. Do đó, cuộc chiến thương mại thực chất là cuộc chiến không có kẻ thắng người thua, một khi nó xảy ra thì tất cả mọi người đều phải thất bại", ông Du cho biết thêm.
Tựu trung lại, trước những khó khăn và nhạy cảm hiện tại, Việt Nam cần làm gì để duy trì tăng trưởng?
"Trước hết là vĩ mô phải ổn định, Nhà nước phải duy trì lạm phát luôn dưới 3%; thứ hai môi trường kinh doanh phải thực sự thông thoáng, giảm mức độ ma sát cũng như chi phí phi chính thức; một điều kiện cần cuối cùng là Chính phủ phải hạn chế tối đa việc tham gia vào nền kinh tế", vị này chốt hạ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo