Tin tức - Sự kiện

Việt Nam mở rộng tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia

Tính đến 10/3, tổng số máy bay và tàu cứu hộ tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích là 34 máy bay, 40 tàu cứu hộ các loại.

Ngày hôm nay, Việt Nam tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm chiếc máy bay Boeing mất tích của Malaysia, chia làm hai khu vực với phạm vi 20.000 km2.

Ngày 10/3, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phương tiện nước ngoài đến làm nhiệm vụ tìm máy bay mất tích theo quy định và hướng dẫn của Việt Nam.

 

Cụ thể, Việt Nam sẽ phân tầng không gian cho máy bay, chia khu vực tìm kiếm đảm bảo an toàn; trên mặt biển tàu Việt Nam dẫn đường, đi cùng tàu nước ngoài đảm bảo, giữ vững an ninh, chủ quyền lãnh thổ.

 

Việt Nam đã cấp phép cho một tàu Mỹ triển khai khu trục hạm USS Pinckney tìm kiếm cứu nạn, mang theo hai trực thăng MH-60 R (tìm kiếm đêm bằng camera hồng ngoại), và một máy bay trinh sát hàng hải đường dài P-3C Orion.

Theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn – Phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân, vùng tìm kiếm hôm nay sẽ mở rộng ra 100 – 200 km về phía đông và phía tây so với vị trí cũ. Các tàu bay của không quân Việt Nam sẽ vẫn hoạt động trong vùng FIR của Việt Nam  nhưng ở phía tây sẽ bay sát đến vùng do Thái Lan kiểm soát. Ngoài ra tầm bay cũng sẽ được nâng lên ở đô cao từ 3.000 – 5.000m.
 
Đến thời điểm náy Việt Nam đã có 4 máy bay Antonov 26, 4 máy bay trực thăng, 1 thủy phi cơ và sáng nay thêm 2 máy bay Casa của Cảnh sát biển sẽ cất cánh, tham gia tìm kiếm.
“Không quân Việt Nam đã và sẽ huy động những lực lượng, phương tiện tốt nhất cho việc tìm kiếm”, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn khẳng định.
 
Vào lúc 19h ngày 10/3, ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu cho biết, ngay khi nhận được tin báo có nhiều mảnh vỡ từ trung tâm kiểm soát không lưu Hồng Kông, một tàu container của Thái Lan trong hành trình từ Nam – Bắc đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm từ 17h30 đến 18h nhưng không phát hiện gì.
 
Theo ông Chiến, vị trí tọa độ từ khu vực được máy bay Hồng Kông báo cách đảo Thổ Chu 250 hải lý, cách vùng biển nghi là máy bay mất tích hơn 500 km về phía Tây Nam nên rất khó khả năng máy bay rơi vào cùng này.
 
Trước đó, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, lực lượng tàu biển của của Trung Quốc cũng sẽ tham gia tìm kiếm ở khu vực khoanh vùng theo sự hướng dẫn của Việt Nam.
 
Cũng theo ông Tuấn, tàu của Trung Quốc chỉ được phép di chuyển trong vùng biển giới hạn, đó là điểm được đánh dấu máy bay mất liên lạc, việc di chuyển của các tàu này phải chấp hành sự hướng dẫn của phía Việt Nam.
 
Trực thăng Mi 171 đang đợi lệnh cất cánh (Thanh niên)
 
Đến 20h ngày 10/3, đại diện của Sở chỉ huy tác chiến cứu nạn hàng không cho biết, trong ngày 11/3 vùng tìm kiếm tiếp tục được mở rộng thêm 20.000 km2; sẽ có 2 tàu bay AN26 bay từ Tân Sơn Nhất ra phía Đông Nam Cà Mau, cách đất liền khoảng 45km, diện tích tìm kiếm khoảng 15.000 km2. Trong khi đó, 2 trực thăng Mi-171 và thủy phi cơ DHC6 sẽ tìm kiếm tại khu vực rộng 5.000 km2, cách Phú Quốc 30km. Như vậy, phạm vi tìm kiếm được chia hai khu vực.
 
Tại vùng biển Vũng Tàu nghi ngờ có nhiều mảnh kim loại từ nguồn tin của Trung tâm không lưu Hồng Kông phát hiện, cũng sẽ được kiểm tra lại.
 
Từ 8/3 tới nay, Việt Nam và 5 quốc gia đã cử nhiều máy bay và tàu cứu hộ tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thể tìm ra tung tích của chiếc máy bay xấu số. Nhiều giả thiết đã được đặt ra xoay quanh khả năng máy bay có thể bị khủng bố, các nhà chức trách Malaysia cũng đã xác nhận có thêm hướng điều tra này.
 
Rất nhiều người tin rằng máy bay có thể bị khủng bố, bởi cuộc tìm kiếm đã được khoang vùng và vào cuộc quyết liệt của 6 nước nhưng chưa hề có một tín hiệu chắc chắn nào để xác định chính xác chiếc máy bay này. Hơn nưa, chiếc máy bay Boeing 777 bị mất tích có trang bị hai thiết bị định vị gồm hệ thống rada và thiết bị định vị toàn cầu. Theo ông Đinh Đức Tuấn - Phó Ban An toàn chất lượng và an ninh Tổng công ty Hàng không Việt Nam,  các tín hiệu định vị không phát đi từ máy bay bị mất tích vì có thể hệ thống này đã bị tắt hoặc phá hủy.
 
Vụ mất tích chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia làm nhiều người nhớ lại sự cố xảu ra với chiếc máy bay mang số hiệu 447 của Hãng hàng Air France năm 2009. Chiếc máy bay từ Rio de Janeiro tới Paris đã biến mất trên vùng biển Đại Tây Dương, và sau 2 tuần mới tìm được một số mảnh vỡ và thi thể của 228 hành khách xấu số. Nhưng phải tới 2 năm sau, người ta mới tìm được những mảnh vỡ còn lại của chiếc Airbus 380 và hộp đen của máy bay.
 
Cuối năm 2012, Pháp đã công bố kết luận điều tra, xác định vụ tai nạn là kết quả của việc kết hợp giữa lỗi kỹ thuật và sơ suất của các phi công không có kinh nghiệm, và điều đáng tiếc là máy bay bị qua một cơn bão. Một trong số các cảm biến tốc độ của máy bay đã bị trục trặc và gửi thông tin sai tới buồng lái. Phi hành đoàn đã không nhận ra tình huống nghiêm trọng và để xảy ra tai nạn thương tâm này. Chiếc máy bay đã rơi rất nhanh khỏi bầu trời, trước khi lao thẳng xuống biển.
 
Chuyến bay MH370 mang theo 227 hành khách và 12 người thuộc phi hành đoàn, trong đó có 2 trẻ sơ sinh. Theo danh sách hành khách trên trang web của Malaysia Airlines, không có người nào trên chuyến bay là công dân Việt Nam. Có 154 người mang quốc tịch Trung Quốc, trong đó có một người Đài Loan, và 38 người Malaysia. Các hành khách còn lại đến từ nhiều quốc gia như Indonesia, Pháp, Mỹ, Australia, Canada...
 
 

 

Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo