Khám phá

Việt Nam sắp hoàn thành đường cao tốc trong không gian

Việc phóng vệ tinh Vinasat-2 vào quỹ đạo vào giữa tháng 5 tới, kết hợp cùng vệ tinh Vinasat-1 - được ví như một đường cao tốc trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam - đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Vinasat-2 không đơn thuần là mục tiêu kinh doanh mà còn phục vụ phát triển hạ tầng thông tin đất nước.



Vinasat 2 chuẩn bị vào bệ phóng



Theo kế hoạch, vào lúc 05h13’ ngày 16/5 (giờ Việt Nam), vệ tinh Vinasat-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 (của Công ty Vận tải hàng không vũ trụ Châu Âu Arianespace). Vệ tinh Vinasat -2 (và Vinasat-1) sẽ sử dụng bãi phóng Kouru (Guyana - Nam Mỹ).

 

Ngoài vệ tinh của Việt Nam lần phóng này còn có vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản.


Ông Hoàng Minh Thống – Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, vệ tinh Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.



Vinasat-2 sẽ cùng Vinasat-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ; tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.

 

Ngoài ra, 6 bộ phát đáp dự phòng cho Vinasat 1 đều hoàn toàn trùng với băng tần của Vinasat 2 nhưng ngược phân cực. Vì vậy, khi khách hàng muốn chuyển đổi thì việc điều chỉnh tương đối đơn giản.


Ông Hồ Công Lâm, Phó GĐ Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) – VNPT đơn vị được giao kinh doanh dịch vụ của Vinasat 2 cho biết, sau khi vệ tinh phóng và tiến hành đo thử trên quỹ đạo dự kiến đưa vào khai thác vào nửa đầu tháng 7.2012. Tổ chức vận hành khai thác đã sẵn sàng về nhân lực, điều kiện kỹ thuật và trang thiết bị trên cơ sở kinh nghiệm kiến thức có được trong khi vận hành Vinasat 1.



Đến nay, toàn bộ hệ thống thiết bị tại Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) đã hoàn thành lắp đặt và sẵn sàng để tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh.


10 năm thu hồi vốn



Ông Hồ Công Lâm cho biết, hiện khoảng 90% dung lượng trên Vinasat -1 đã dược sử dụng và doanh thu dự kiến 2012 của vệ tinh này khoảng 250 tỷ. Doanh thu này chưa tính dung lượng sử dụng cho mạng lưới VNPT (gần 30%).



Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho Vinasat-1 khoảng 3900 tỷ đồng. Theo ông Phan Hoàng Đức, sau 4 năm đầu việc khai thác Vinasat-1 như vậy là có hiệu quả.

 

Ông Đức cho hay năm 2012, chính là năm cân bằng thu chi của VNPT đối với vệ tinh này. Vinasat- 1 và 2 được thiết kế bình quân duy trì được 15 năm nhưng thực tiễn các vệ tinh thường có tuổi thọ lâu hơn. Theo kế hoạch, 10 năm sẽ thu hồi vốn thì những năm sau đó là thời điểm hiệu quả.



So với Vinasat-1, vốn đầu tư cho dự án Vinasat-2 lớn hơn, khoảng 260-280 triệu USD (tương đương 5460-5880 tỷ đồng). Số tiền này, đã giải ngân gần hết theo điều kiện hợp đồng gói thầu. Ông Thống cho biết, “tiến độ giải ngân thực hiện song song với việc hoàn thành nghĩa vụ của nhà thầu”.



Đặc thù vốn đầu tư cho Vinasat-2 lần này đó là khoảng 20% nguồn vốn VNPT còn lại 80% vốn đi vay. Trong đó, 60% là vay thương mại còn lại là vay từ ngân hàng Phát triển. Do đó có thể thấy rõ trách nhiệm VNPT cho việc khai thác sử dụng Vinasat-2 khi không có nhiều sự ưu đãi, theo ông Đức.


Phần khai thác Vinasat-2 sẽ thực hiện ngay khi nhà thầu đưa vệ tinh vào vị trí quỹ đạo bàn giao cho VNPT.



Theo ông Lâm, về cơ bản phương án kinh doanh VTI đã có chương trình kế hoạch xúc tiến, tiếp xúc giới thiệu khách hàng tiềm năng đặc biệt những hãng truyền hình lớn VTV, VTC… “Chúng tôi hy vọng trong 2012 sẽ có thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền hình với Vinasat-2”.

 

Ngoài ra, VTI sẽ tiếp cận khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau như dầu khí, ngân hàng, tài chính, các khách hàng có nhu cầu thông tin liên lạc vùng sâu vùng xa, hải đảo hoặc một số nước khu vực như Lào, Campuchia và Myanmar.


Phương án kinh doanh cũng là một trong các sở cứ trình chính phủ để lập đề án Vinasat-2, ông Đức cho hay. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, việc phóng Vinasat-2 còn nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.



“Trong môi trường truyền dẫn biển nếu không sử dụng phương thức vệ tinh thì chúng ta rất khó đáp ứng phát triển kinh tế biển cho chúng ta trong thời gian sắp tới. Đây cũng là một trong các mục tiêu đưa vào khai thác Vinasat-2 nhằm đáp ứng phát triển kinh tế xã hội”, ông Đức cho biết”.

 

Năm 2006, động đất tại Đài Loan, Trung Quốc, cáp quang biển bị đứt , ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ USD. Với các thiệt hại tương tự, nếu đưa vệ tinh vào sử dụng sẽ đảm bảo thông tin được truyền an toàn, tin cậy và không thể tính ra bằng lợi nhuận, theo ông Hoàng Minh Thống – Giám đốc Ban quản lý dự án. 

 

 

 

Theo

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo