Việt Nam sẽ cùng thế giới thúc đẩy kiểm soát ô nhiễm thủy ngân
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến tại Hội thảo “Xây dựng mạng lưới thí điểm quan trắc thủy ngân trong không khí khu vực Châu Á Thái Bình Dương” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 11/9. Tiếp đó, ngày 12/9, các chuyên gia hàng đầu về thủy ngân Thế giới dự hội thảo sẽ đi thực tế tại Trung tâm Quan trắc môi trường tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hội thảo do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với: Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ; Chương trình Lắng đọng khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ; Cục Bảo vệ môi trường Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức. Hội thảo thu hút trên 30 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Philippin, Việt Nam…
Tại hội thảo, các cơ quan, đơn vị, quốc gia tham gia mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động quan trắc thủy ngân, phát tán thủy ngân trong không khí và ảnh hưởng của các nguồn phát thải thủy ngân tới các nguồn tiếp nhận nhạy cảm.
Theo Tổng cục Môi trường, nước ta hiện đang đối mặt với vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí, không chỉ từ các nguồn ô nhiễm trong nước, mà còn từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới. Điều này gây ra những khó khăn, thách thức trong công tác giám sát và kiểm soát ô nhiễm thủy ngân do sự hạn chế về phương pháp, cách thức và kỹ thuật quan trắc thủy ngân cũng như sự phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm giữa các quốc gia.
Để hạn chế tình trạng này, Việt Nam đã tham gia Công ước Minamata về thủy ngân vào tháng 10/2013. Hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam được thiết lập và duy trì từ năm 1994 đến nay. Việt Nam đã triển khai kết hợp trong các chương trình quan trắc thường xuyên, định kỳ, các hoạt động quan trắc chuyên sâu nhằm đánh giá, kiểm soát sự phát tán và vận chuyển thủy ngân trong môi trường.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khẳng định: Tất cả các hành động trên cho thấy Việt Nam quan tâm, chú trọng tới vấn đề ô nhiễm thủy ngân, trong đó có các hoạt động quan trắc, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu sử dụng và phát thải thủy ngân. Việt Nam cũng sẽ có thêm công cụ pháp lý để giám sát, kiểm soát vấn đề ô nhiễm thủy ngân. “Qua các ý kiến, tham luận của các nhà khoa học tại Hội thảo, tôi đề nghị Tổng cục Môi trường tổng hợp và tiếp tục duy trì các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao các kiến thức về các vấn đề khoa học liên quan tới thủy ngân tới các đơn vị trong hệ thống quan trắc môi trường trong nước, các quốc gia tham gia Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy công tác kiểm soát ô nhiễm thủy ngân và thực thi công ước Minamata đầy đủ, hiệu quả” - Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nói./.
Theo Tài nguyên và Môi trường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải pháp năng lượng xanh cho Đồng bằng sông Cửu Long
Quảng Nam: Làng rau Trà Quế được công nhận “Làng du lịch tốt nhất” năm 2024
Đồng Tháp khởi xướng sáng kiến thành lập “Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong”
Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với nước giải khát có đường
Khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối, sáng tạo hơn
Khởi động cuộc thi công nghệ ICT Competition cho sinh viên
Cột tin quảng cáo