Thị trường

Vietjet, Vietnam Airlines hết cơ hội thâu tóm hoạt động tại sân bay

(DNVN) - Theo Nghị định của Chính phủ vừa ban hành, các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa.

Lập hãng hàng không phải có 200 tỷ đồng

 Theo tin từ VPCP, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam. Nghị định sẽ có hiệu lực từ 12/12 tới.

Theo đó, Nghị định quy định về nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay.

Theo quy định mới của Chính phủ, cả Vietjet Air và Vietnam Airlines sẽ phải từ bỏ kế hoạch "thâu tóm" toàn bộ nhà ga T1- Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Cụ thể, về vốn tối thiểu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, Nghị định quy định đối với doanh nghiệp cảng hàng không kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế là 200 tỷ đồng Việt Nam; kinh doanh tại cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không gồm: khai thác nhà ga hành khách; khai thác khu bay; khai thác nhà ga, kho hàng hoá; bảo đảm hoạt động bay (bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng hàng không; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn); cung cấp xăng dầu hàng không; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; cung cấp suất ăn hàng không, vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng Việt Nam.

Còn vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là 10 tỷ đồng Việt Nam. Nghị định quy định rõ trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp nhiều loại dịch vụ hàng không thì áp dụng quy định về mức vốn tối thiểu cao nhất.

Hãng hàng góp vốn không quá 30% vốn sân bay

Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải là pháp nhân Việt Nam. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. 

 

Đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác khu bay, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không phải có tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ; tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ. 

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ. 

Các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cảng hàng không; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa. 

Trước đó, các hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Vietjet Air đang muốn giành quyền khai thác một sân bay hoặc một vài nhà ga hành khách mà Bộ Giao thông đang muốn thí điểm nhượng quyền như nhà ga T1- Nội Bài. Tuy nhiên, theo quy định mới của Chính phủ, cả Vietjet Air và Vietnam Airlines sẽ phải từ bỏ kế hoạch "thâu tóm" toàn bộ nhà ga T1- Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo