Khám phá

Virus khổng lồ niên đại hơn 30.000 năm sống lại

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu KH quốc gia Pháp (CNRS) vừa phát hiện loại virus khổng lồ nhưng vô hại có niên đại 30.000 năm tuổi.

Loại virus khổng lồ này nằm trong khối băng vĩnh cửu ở ven biển Chukotka, gần biển đông Siberia.

Virus cổ khổng lồ có niên đại 30.000 năm tuổi
 
Loại virus khổng lồ được đặt tên là Pithovirus sibericum chưa bao giờ được phát hiện trước đây, nằm trong lớp băng vĩnh cửu tại khu vực Seberia - nơi có nhiệt độ quanh năm -13,4 độ C, ở độ sâu 30m so với mặt đất đóng băng.
 
Dựa trên kết quả nghiên cứu cacbon phóng xạ được đăng trên tạp chí khoa học của Viện hàn lâm Mỹ, các nhà khoa học cho rằng virus cổ này có niên đại 30.000 năm tuổi, tức là thời điểm tồn tại với mamút và người Neanderthal.
 
Virus cổ có hình dạng một cái lọ, chứa khoảng 500 gen, gấp nhiều lần so với các loại virus gây cúm (chỉ chứa 8 gen). Kích thước của nó được liệt vào dạng lớn, khoảng 1,5 micromet, vì vậy có thể dễ dàng quan sát dưới kính hiển vi quang học.
 
Khả năng duy trì sự sống của loại virus này cao và hoàn toàn vô hại với con người và động vật. Chúng chỉ tấn công một loại amíp, một dạng cơ thể đơn bào.
 
Tác giả nghiên cứu, GS Jean-Michel Claverie nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một virus có thể truyền nhiễm sau khoảng thời gian dài như vậy”. Đồng nghiêp của ông, TS Chantal Abergel giải thích thêm: “Virus này đi vào tế bào, sinh sản và cuối cùng tiêu diệt tế bào. Chúng có thể giết a-míp chứ không thể nhiễm tế bào người”.
 
Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng những sinh thể bệnh có khả năng gây tử vong khác, còn ẩn chứa dưới những lớp băng dày ở Siberia
 
Trong thông cáo báo chí, CNRS tuyên bố, khám phá trên chứng tỏ, các virus có thể sống sót trong tình trạng bị chôn vùi dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu suốt khoảng thời gian vô cùng dài. Nó báo hiệu các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến việc khai thác khoáng sản hoặc các nguồn năng lượng ở những vùng cực.
 
CNRS cảnh báo, việc hồi sinh thành công loại virus này cũng cho thấy, việc "rã đông" các tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu do biến đổi khí hậu hoặc hoạt động khai thác công nghiệp trong vùng cực có thể làm sống dậy hiểm họa nào đối đối với sức khỏe con người và động vật trong tương lai.

 

Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo