Hàng ngàn người kinh doanh sim đa năng Vietpay có nguy cơ mất hàng tỉ đồng do Vietpay đã âm thầm dừng hoạt động.
Được quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận cao, hàng ngàn người đã đổ xô kinh doanh sim đa năng Vietpay. Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP Thanh toán điện tử Việt (Vietpay, đơn vị cung cấp sản phẩm này) có dấu hiệu “biến mất” khiến nhiều người đứng ngồi không yên.
Tiền tỉ “bốc hơi”
Từ đầu năm 2011, trên thị trường viễn thông Việt Nam xuất hiện một loại sim đa năng có tên là Vietpay do Công ty Vietpay cung cấp. Sản phẩm này là sự hợp tác giữa Vietpay với nhà mạng MobiFone và một số ngân hàng. Người sử dụng sim Vietpay đa năng có thể nạp tiền vào sim (qua chuyển khoản ngân hàng, từ ATM, nộp trực tiếp…) và thao tác trên điện thoại của mình để “bắn tiền” (nạp) cho khách hàng ở 7 mạng di động khác nhau hoặc nạp tiền cho người chơi game và được hưởng chiết khấu theo các mức khác nhau.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết mức chiết khấu mà Vietpay chia cho người kinh doanh là 6,5%-8%. Như vậy, nếu người kinh doanh sim Vietpay nạp vào 10 triệu đồng và “bắn” cho những người cần nạp tiền thì sẽ được hưởng 650.000 - 800.000 đồng chiết khấu. Với mức chiết khấu cao cộng với tiện lợi là có thể nạp tiền cho mọi mạng di động ngay tức thì nên chủ các cửa hàng bán thẻ cào, sim số, tiệm tạp hóa, xe thuốc lá… đã đổ xô tham gia kinh doanh bằng cách nạp tiền qua sim Vietpay này. Trong các năm 2011, 2012, sim Vietpay trở thành sản phẩm kinh doanh rất thu hút trên thị trường viễn thông...
Tuy nhiên, sang năm 2013 thì đã sự cố bắt đầu xảy ra. Anh Trần Hoàng Hà - chủ một cửa hàng kinh doanh sim số, thẻ cào trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP HCM - cho biết: “Tôi đã mua và nạp vào tài khoản sim Vietpay 15 triệu đồng. Sau đó 1 thời gian ngắn thì dịch vụ “bắn tiền” này liên tục bị khóa và báo nâng cấp. Ban đầu, khi tôi điện thoại đến Vietpay còn có người nghe máy rồi ậm ờ bảo chờ đợi. Sau đó thì hoàn toàn không ai nghe mà chỉ có trả lời tự động. Đến tháng 3, 4-2014 thì Vietpay đã âm thầm dừng hoạt động cả trang web VietPay.vn và các bộ phận khác”.
Anh Hà cho biết hiện số tiền trong tài khoản của anh còn gần 7 triệu đồng nhưng không thể “bắn” cho khách hàng. “Tôi cũng không có cách nào để lấy tiền ra, còn sim Vietpay thì đã bị khóa hoàn toàn” - anh Hà bức xúc.
Anh Võ Tuấn Minh, chủ một cửa tiệm internet tại Bình Dương, cho hay: “Dịch vụ này ban đầu sử dụng tốt lắm nhưng từ tháng 8-2013 thì ngưng dần hoạt động. Đến tháng 3-2014, tôi vào trang web của vietpay.vn không được nữa. Tôi còn trong tài khoản này hơn 3 triệu đồng...”.
Nhiều đại lý bán sim số, nạp tiền điện thoại và cá nhân kinh doanh sim Vietpay tại TP HCM cho biết từ khoảng cuối năm 2013 đến nay, họ không thể nào liên lạc được với Vietpay, gọi vào tổng đài chăm sóc khách hàng 1800599962 thì tổng đài này đã bị khóa. Nhiều người cho biết chỉ làm việc với nhân viên của Vietpay trực tiếp hoặc qua điện thoại nhưng khi sự cố xảy ra thì những người này liền biến mất, điện thoại không liên lạc được, địa chỉ công ty cũng không có thật.
Cần truy cứu trách nhiệm, đòi bồi thường
Nhiều người cho rằng MobiFone phải có trách nhiệm với người tiêu dùng vì đã liên đới hợp tác cùng Vietpay.
Ngày 28-9, chúng tôi đã đặt câu hỏi với nhà mạng MobiFone. Đại diện truyền thông nhà mạng này cho biết: MobiFone ký hợp đồng đại lý có chức năng nạp tiền điện tử với Vietpay; Vietpay cung cấp cho đại lý, điểm bán lẻ sử dụng nạp tiền cho khách hàng MobiFone. Việc Vietpay ký hợp đồng với các đại lý, điểm bán lẻ để nạp tiền cho khách hàng là theo thỏa thuận riêng của Vietpay và các đại lý, điểm bán. MobiFone không liên quan tới các thỏa thuận đó.
Theo đại diện MobiFone, sim MobiFone chỉ đóng vai trò là công cụ để bán hàng, MobiFone chỉ thu phí dịch vụ nạp tiền trên cơ sở số lượng bản tin gửi đi qua đầu số nhà mạng này. Việc hợp tác của MobiFone và Vietpay cũng tương tự mạng khác nhằm cung cấp dịch vụ nạp tiền cho khách hàng.
“Trong thời gian qua, MobiFone cũng đã nhận được phản ánh của một số đại lý, điểm bán lẻ về vấn đề này. MobiFone đang làm việc và yêu cầu Vietpay cung cấp đầy đủ thông tin để tìm hướng xử lý, bảo đảm quyền lợi cho các đại lý, điểm bán” - đại diện nhà mạng này khẳng định.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, hành vi của Vietpay có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dùng có thể tố cáo, khiếu nại, khởi kiện Vietpay để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Hậu cho rằng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương nên chuyển ngay các hồ sơ khiếu nại của người dùng sang cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm, đòi bồi thường hoặc truy nã những đối tượng lừa đảo nếu như có dấu hiệu biến mất.
Người lao động