Vụ hồ sơ Panama: Người cung cấp tin lần đầu lên tiếng
Tin tức trên báo Trí thức trẻ, báo Đức Sueddeutsche Zeitung (SZ) hôm 6/5 cho hay, nguồn tin của Tài liệu Panama đã gửi cho họ một bản tuyên ngôn, khẳng định mục đích của anh ta khi công bố hàng triệu trang tài liệu mật của hãng luật Mossack Fonseca là bởi cảm thấy rất bất công.
Trong bản tuyên ngôn dài 1.800 từ đã được SZ đăng tải, nguồn tin đã ca ngợi những người dũng cảm công khai các tài liệu mật, nhạy cảm, điển hình là Edward Snowden.
"Với việc tiết lộ thông tin từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), ông ấy xứng đáng được chào đón như một người hùng và nhận giải thưởng lớn, chứ không phải bị xua đuổi". Nhân vật này, tự xưng là John Doe, phủ nhận việc mình là gián điệp. "Tôi không làm việc cho bất cứ chính phủ hay cơ quan tình báo nào, dù là trực tiếp hay thời vụ. Tôi cũng chưa từng bao giờ làm vậy".
Nguồn tin cũng rất hài lòng vì các tài liệu bị rò rỉ đã gây ra một cuộc tranh luận về "các hành vi sai trái trong giới tinh hoa" song cho rằng, phản ứng từ chính phủ các nước có liên quan chưa đủ mạnh.
“Tôi quyết định phơi bày Mossack Fonseca bởi vì tôi nghĩ những người sáng lập ra công ty, những nhân viên ở đó và khách hàng của họ phải trả lời về vai trò của họ với những hành động vô đạo đức này, nhưng chỉ một vài người trong số họ được đưa ra ánh sáng cho đến bây giờ,” John Doe cho biết. Báo Diễn đàn doanh nghiệp thông tin.
Nguồn tin này nói tiếp là: “Hàng nghìn vụ khởi tố có thể bắt đầu từ Hồ sơ Panama, chỉ khi nào lực lượng pháp luật có thể tiếp cận và đánh giá các tài liệu thực.”
“Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế và các đối tác phát hành của họ đã đúng khi tuyên bố rằng họ sẽ không cung cấp những tài liệu đó cho các cơ quan pháp luật. Tôi, mặc dù vậy, sẽ sẵn lòng hợp tác với các cơ quan pháp luật để mở rộng điều mà tôi có khả năng làm được.”
John Doe nói rằng những người đã phơi bày ra những điều sai trái cũng đáng được miễn trừ khỏi sự trừng phạt của chính phủ. John Doe ngầm đưa ra điều kiện cần được giúp đỡ cũng như yêu cầu nhận được sự bảo vệ trước pháp luật.
Các tài liệu từ Hồ sơ Panama đã cho thấy những người giàu có trên thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài để trốn thuế và các lệnh trừng phạt như thế nào. Đây là những tài liệu thuộc về công ty Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Công ty này đã phủ nhận bất cứ việc làm sai trái nào và cho rằng họ là nạn nhân của tin tặc.
Sau khi John Doe cung cấp tài liệu cho một tờ báo ở Đức, hàng trăm nhà báo từ nhiều tờ báo khác nhau trên thế giới đã cùng điều tra độ chính xác của thông tin trước khi khi công bố ra công chúng.
Những tài liệu này đã cung cấp nhiều tài sản được hàng trăm các chính trị gia, quan chức, những người đang và đã lãnh đạo các quốc gia và cả các ngôi sao thể thao giấu ở các thiên đường thuế. Có tới 200.000 công ty bình phong được lập ở các thiên đường thuế, theo Hồ sơ Panama.
Thông báo của John Doe được đưa ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về tình hình kinh tế, trong đó ông nhắc đến Hồ sơ Panama như là một ví dụ điển hình vấn đề của tham nhũng và trốn thuế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo