Vũ khí hạt nhân tìm đường vào IS qua chợ đen
Nhà chức trách cho biết băng nhóm tội phạm này đang tuồn những nguyên liệu phóng xạ được cho là có nguồn gốc từ Nga ra chợ đen ở Moldova sau đó tìm đường tới các tổ chức khủng bố.
Vụ mới nhất bị phát hiện hồi tháng 2 vừa qua, khi 1 kẻ buôn lậu có tên Valentin Grossu rao bán lượng lớn chất cesium cực độc, đặc biệt là ưu tiên khách hàng từ tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Một đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết lượng cesium này có thể giết sô người dân của vài tòa nhà cao tầng.
“Trong thời kỳ mà IS lộng hành, việc những kẻ buôn nguyên liệu bom nguyên tử kết nối với người mua là viễn cảnh đáng sợ”, Matthew Bunn, giáo sư của Đại học Harvard, bình luận. ĐƯợc biết, giáo sư Bunn từng thực hiện một nghiên cứu bí mật về kho vũ khí hạt nhân của Nga theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Bill Clinton.
Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây về Ukraine khiến các nhà chức trách của Moldova gặp khó khăn khi điều tra về cách thức chúng vận chuyển các nguyên liệu cực độc ra khỏi Nga cũng như số lượng các nguyên liệu được tuồn vào chợ đen.
Những cuộc nói chuyện mà cảnh sát ghi âm cho thấy bọn buôn lậu coi Mỹ là mục tiêu để tấn công, giới chức Moldova cho hay. “Hắn nói với đặc vụ qua điện thoại rằng hắn thực sự muốn bán nguyên liệu hạt nhân cho người Hồi giáo vì những người Hồi giáo sẽ ném bom lên đầu người Mỹ”, Constantin Malic, một cảnh sát Moldova tham gia 4 cuộc điều tra cho biết.
Lực lượng hành pháp và tư pháp Moldova cho phóng viên hãng tin AP xem hồ sơ điều tra để giúp dư luận hiểu rõ mức độ nguy hiểm của thị trường chợ đen nguyên liệu hạt nhân. Họ nói việc Nga và phương Tây ngừng hợp tác khiến việc phát hiện hoạt động lấy cắp nguyên liệu hạt nhân của Nga trở nên khó hơn rất nhiều. Giới chức Moldova cũng không thể biết lượng nguyên liệu hạt nhân mà bọn tội phạm tuồn vào chợ đen.
Theo AP, bằng cách nghiên cứu những đoạn băng ghi âm điện thoại, video về những vụ bắt người, ảnh về nguyên liệu hạt nhân, tài liệu và các cuộc thẩm vấn, phóng viên của AP phát hiện một khiếm khuyết trong chiến thuật chống buôn lậu.
Kể từ vụ đầu tiên bị phát hiện năm 2010 tại Moldova đến vụ gần đây nhất hồi tháng 2, một kịch bản liên tục tái diễn, đó là chính quyền thường quá nôn nóng khi bắt giữ nghi phạm. Hầu hết cảnh sát chỉ bắt được những người trung gian khi họ mới chỉ trao đổi mẫu hàng. Do đó, những kẻ cầm đầu có cơ hội để tẩu thoát cùng nguyên liệu phóng xạ. Điều này khiến chợ đen hạt nhân ở khu vực Balkan nằm ngoài tầm kiểm soát.
Các nhà chức trách Moldova cũng không biết liệu những nhóm buôn lậu đã thành công trong việc buôn bán nguyên liệu phóng xạ cho những kẻ khủng bố hay chưa trong khi IS lộ rõ tham vọng hủy diệt hàng loạt những thứ cản đường chúng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo