Hàng loạt DN phản đối áp thuế tự vệ với phôi thép: Bộ Công thương nói gì?
Trước đó, ngày 25/12/2015, Bộ Công Thương ra quyết định số 14926/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam sau khi nhận được đơn đề nghị của bốn doanh nghiệp gồm Thép Hòa Phát, Thép Miền Nam, Gang Thép Thái Nguyên và Thép Việt Ý với đề nghị tăng thuế suất lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu.
Theo đơn đề nghị của các doanh nghiệp này, lượng phôi thép nhập vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ trên 588.000 tấn vào năm 2014 lên trên 1,5 triệu tấn năm 2015.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công thương có quyết định áp thuế tự về, một loạt doanh nghiệp sản xuất trong ngành đã cùng ký tên trong một kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép. Các doanh nghiệp này cho rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ như vậy sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép.
Ngày 15/2, trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.
Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Đó là lý do các nước đều cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội chung khi quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng.
Vị lãnh đạo ngành Công thương cũng cho rằng, pháp luật về việc điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ của cả WTO và Việt Nam đều đã đầy đủ, minh bạch và quy định chặt chẽ những điều kiện, quy trình để có thể áp dụng các biện pháp này. Theo đó, khi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công Thương phải thụ lý hồ sơ và ra quyết định tiến hành điều tra.
Hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công Thương khẳng định mọi quy trình, thủ tục điều tra đều được tiến hành công khai, mình bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam.
"Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc. Do đó, ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 doanh nghiệp trong nước đã được Bộ Công Thương ghi nhận và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo