Vụ Lý Nguyễn Chung: Tòa có nên trả hồ sơ?
Trước hết, phải khẳng định TAND tỉnh Bắc Giang đã xét xử và định tội bị cáo Lý Nguyễn Chung dựa trên chứng cứ đầy đủ và chắc chắn.
Đủ căn cứ kết án Chung
Theo dõi kỹ diễn tiến phiên tòa cũng như lập luận của HĐXX, tôi cho rằng việc xác định bị cáo Chung phạm tội giết người trong trường hợp này là có căn cứ pháp luật. Việc kết tội của bản án sơ thẩm dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa chứ không phải chỉ dựa vào lời nhận tội của bị cáo Chung.
Tôi có thể dẫn chứng tất cả chứng cứ, kể cả lời khai khác biệt của nhân chứng mới Nguyễn Thị Thu Hà đều được HĐXX làm rõ trong các giai đoạn xét hỏi, tranh luận và nghị án. Chẳng hạn, lời nhận tội của bị cáo Chung phù hợp với lời khai của cha bị cáo, phù hợp với lời khai của mẹ kế của bị cáo. Nó cũng phù hợp với lời khai của chị dâu của bị cáo (khai được Chung đưa cho xem hai chiếc nhẫn vàng mà Chung cướp được), phù hợp với lời khai của người cho Chung ở nhờ khi trốn và đặc biệt còn phù hợp với dấu vết (bàn chân trái) mà Chung để lại hiện trường gây án... Do vậy, đã có đủ cơ sở để kết án bị cáo.
Kỹ năng viết án làm dư luận hiểu chưa đúng
Việc bản án sơ thẩm kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ một số nội dung khác để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, trong vụ án đang xét xử thì thẩm quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh tội phạm hoàn toàn thuộc về HĐXX. Do vậy, phần nhận định của bản án sơ thẩm phải xác định rõ nội dung kiến nghị là gì, như thế nào để dư luận hiểu đúng vụ việc mà tòa đã xét xử.
Ở đây, tôi cho rằng kỹ năng viết án của thẩm phán đã làm cho dư luận hiểu không đúng sự việc. Đã có những ý kiến cho rằng việc buộc tội, xét xử bị cáo Chung là không chắc chắn, dạng như chưa rõ ai là hung thủ đã xét xử. Thay vì kết án và kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ thì HĐXX phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, trong vụ án này, như đã nói ở trên, các chứng cứ đã đủ để kết tội bị cáo Chung là hung thủ, chỉ có điều HĐXX muốn kiến nghị làm rõ thêm có đồng phạm của bị cáo hay không... Do đó, việc HĐXX không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà vẫn kết án bị cáo và kiến nghị là không có gì sai.
Nhân chứng không được tranh luận, suy luận buộc tội
Cạnh đó, xét về nhân chứng mới, khi tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng, bà Nguyễn Thị Thu Hà phải tuân theo quy định của BLTTHS. Đó là người nào biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng trình bày về những gì mà họ biết về vụ án.
Các cơ quan có thẩm quyền không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Tại phiên tòa, khi được hỏi người làm chứng sẽ trình bày về những tình tiết vụ án mà họ biết, người làm chứng không được tham gia tranh luận.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hà lại được HĐXX cho trình bày một bản luận cứ 14 điểm theo hướng xác định bị cáo Chung không phạm tội và buộc tội ông Chấn... là không phù hợp với nghĩa vụ mà pháp luật quy định đối với người làm chứng tại phiên tòa.
Về phần luật sư của bị cáo Chung, đành rằng trong vụ án bị cáo nhận tội nhưng khi tranh luận, luật sư lại phản bác ý kiến có lợi cho thân chủ của người làm chứng để đưa ra các lập luận nhằm kết luận theo hướng bất lợi cho thân chủ. Đây là một điều rất ít xảy ra trong thực tiễn xét xử.
Nếu cẩn trọng thì nên trả hồ sơ Sau phiên tòa sơ thẩm, Pháp Luật TP.HCM cũng nhận được ý kiến của nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế. Ông Quế có quan điểm khác so với ông Phạm Công Hùng về việc tòa nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay vẫn kết án bị cáo. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc. Theo ông Quế, việc HĐXX kết án bị cáo Chung và kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ một số tình tiết trong vụ án, về mặt quy định tố tụng hình sự là không có gì sai. Tuy nhiên, ở đây các tình tiết chưa được làm rõ này không nằm ngoài vụ án và cho thấy có dấu hiệu nghi ngờ về việc bỏ lọt tội phạm. Chẳng hạn một số vật chứng không thu giữ được hay bị thất lạc; một số dấu vết tại hiện trường vụ án, trên tang vật chưa xác định được là gì, của ai; lời trình bày của người làm chứng mới tại phiên tòa có mâu thuẫn với người làm chứng và người liên quan khác... Do đó, nếu cẩn trọng thì HĐXX hoàn toàn có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì luật cho phép, thay vì cứ kết án bị cáo Chung và kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ. Làm như thế thì giữa nhận định của HĐXX với quyết định trả hồ sơ thể hiện được sự nhất quán. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo