Xã hội

Vụ ông già trộm gà bị chụp ảnh làm nhục: Chuyên gia văn hóa nói gì?

Câu chuyện về người đàn ông trộm gà bị đánh dã man, bắt ngậm chân gà chết và chụp ảnh mua vui đã khiến dư luận phẫn nộ. Một bạn đọc đã cay đắng thốt lên: “Tại sao người Việt ngày càng tàn nhẫn với nhau đến thế?"

Trước những hình ảnh đầy tủi nhục và đáng thương của người đàn ông già, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên giảng viên cao cấp thuộc Khoa ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn cùng PV về sự việc đau lòng này.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Thưa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, mấy ngày gần đây, việc một người đàn ông lớn tuổi ở Cao Bằng ăn cắp gà và bị nhiều người trừng phạt bằng cách bắt ngậm gà chết, bị chụp ảnh bêu xấu và đánh đập dã man đã khiến nhiều người bức xúc. Dưới góc độ của một chuyên gia xã hội học, ông nghĩ gì về hành vi và hành động của những con người này?

Hành vi ăn cắp gà của người đàn ông đó rõ ràng là phạm pháp. Nhưng việc xử lý hành vi đó là của các cơ quan hành pháp, tố tụng tức là công an, tòa án, viện kiểm sát. Việc ăn cắp một con gà chưa đến mức phải truy tố ra tòa cho nên việc xử lý hành chính là của ủy ban nhân dân tại địa phương đó.

Còn với người dân, họ có quyền bắt giữ, nhưng sau đó phải báo ngay cho cơ quan công an biết để họ xử lý sự việc. Việc đánh đập người ta là vi phạm pháp luật. Chụp ảnh bêu xấu, nhằm mục đích mua vui là hành vi xúc phạm, làm nhục thân thể và là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu xét về pháp luật, hành vi đánh đập ấy còn nặng hơn tội trộm gà.

 Chỉ vì lỡ tay trộm một con gà, người đàn ông đã trở thành nạn nhân của đám đông với những trò hành hạ dã man
Chỉ vì lỡ tay trộm một con gà, người đàn ông đã trở thành nạn nhân của đám đông với những trò hành hạ dã man

Cũng giống như nạn trộm chó. Đó đều là những hành động đáng lên án, người dân rất bức xúc nhưng không phải vì thế mà “chúng ta quá giận mất khôn”. Người dân phải hết sức cân nhắc nếu không muốn tự mình đưa mình ra trước tòa. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân đã vô tình khiến sự việc trở nên tồi tệ.

Đấy là đứng về mặt pháp luật. Còn ở góc độ con người thì việc làm nhục người khác là thiếu nhân văn. Xúc phạm thân thể, thô bạo với người khác là việc rất đáng lên án.

 

Dễ thấy càng ngày càng có quá nhiều những câu chuyện liên quan đến cách hành xử thiếu tình người. Một cô bé trót ăn trộm một cuốn sách đã bị trói tay, dán tấm biển “kẻ ăn cắp” vào trước ngực. Một cậu bé trót lấy mấy chục nghìn đã bị đánh đập, xiềng chân như tội đồ? Có phải người Việt đang ngày càng trở nên thờ ơ và nghiệt ngã với nhau?

Cùng với sự phát triển của cuộc sống con người càng bị dễ bị áp lực từ những mối lo cơm áo gạo tiền. Thái độ dễ nổi nóng đó chính là hệ quả của những bức xúc được tích tụ từ dư luận, xã hội. Xuất phát từ việc có nhiều trường hợp cơ quan nhà nước xử lý chưa kịp thời hoặc chưa công bằng, minh bạch, dần dần người ta cảm thấy niềm tin vào công lý bị suy giảm. Ngày nay, người Việt sống buông thả hơn, trong rất nhiều chuyện chứ không riêng gì việc đánh đập nhau.

Ngày xưa vì sao mà người ta không dám đối xử độc ác với nhau vì người ta còn tin rằng mình sẽ bị trừng phạt, quả báo ở kiếp sau, có quỷ hành tha ma chứng dám. Có một thời gian rất dài chúng ta tuyên truyền cho người dân tư tưởng “chết là hết”. Dần dần họ nghĩ rằng cuộc đời chỉ có ở kiếp này thôi, chẳng có thân phận, chẳng có quả báo, hay kiếp sau gì cả. Điều đó có ý nghĩa nhất định nhưng cũng để lại hậu quả là người ta không tin vào kiếp sau, không sợ bị quả báo, không tin vào thần phật, thậm chí làm điều xấu mà không run tay.

Trong xã hội trước đây, người trẻ sợ người già, trẻ con sợ người lớn nhưng bây giờ thì dường như ngược lại. Trong một đám đông ồn ào, một người già nào đó muốn đứng ra dàn xếp mọi việc cũng không dám vì không nhận được sự kính trọng từ những người trẻ. Nghĩa là nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn, những kỉ cương nề nếp trong xã hội đang bị lung lay.

Bạo lực học đường đang là một vấn nạn nhức nhối. Ông có cho rằng đó là hệ quả của một nền giáo dục đang có vấn đề?

 

Bệnh thành tích là bệnh xã hội. Xã hội không giải quyết được dứt điểm thì không thể đổ lỗi cho nhà trường. Thực tế là về phía nhà trường họ cũng đang bị “bó tay bó chân”. Nữ sinh đánh nhau, cắn xé rồi quay video clip rồi tung lên mạng nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn.

Nhà trường chỉ dám phê bình, kỷ luật, cho nghỉ học vài ngày nhưng không dám đuổi hẳn vì vấp phải sự phản đối của dư luận. Nhiều người cho rằng đuổi học như thế chẳng khác nào loại các học sinh đó ra khỏi cộng đồng. Nhưng theo tôi với những trường hợp như thế cần phải xử lý nghiêm.

Cần phải cách ly họ ra khỏi những học sinh khác để chuyển sang một môi trường giáo dục đặc biệt hơn. Nếu cứ để họ tiếp tục học tập trong môi trường cũ sẽ làm hỏng những em khác. Phải xử lý nghiêm thì xã hội mới nghiêm được.

Nhà trường người ta cũng dạy đạo đức rất nhiều nhưng học sinh chỉ ở trường 4-5 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại là sống trong gia đình, xã hội. Vì thế sức ảnh hưởng của gia đình, xã hội đối với học sinh là rất lớn.

Người lớn mà không làm gương thì trẻ con không ngoan được. Những gia đình có con hư đa số đều có vấn đề ở bố mẹ. Một là bố mẹ cũng vi phạm pháp luật, hai là bố mẹ quá bận rộn không có thời gian để giáo dục con mà phó mặc cho nhà trường, xã hội.

 

Cám ơn GS Nguyễn Minh Thuyết

Theo báo Gia đình Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo